Vì sao hàng loạt doanh nghiệp ngành thép báo lỗ kỷ lục?

Nhu cầu thép suy yếu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh… khiến hàng loạt doanh nghiệp thép đua nhau báo lỗ.

Lời Chủ tịch Trần Đình Long "ứng nghiệm"

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) mới đây công bố lợi nhuận sau thuế quý III âm 1.786 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên đại gia ngành thép báo lỗ (tính theo quý) sau hơn 13 năm. Lần gần nhất công ty của tỷ phú Trần Đình Long có lợi nhuận một quý âm là cuối năm 2008.

Về doanh thu, quý III, Hòa Phát đạt hơn 34.440 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm gần 8% so với quý liền trước. Thực tế, doanh thu của đại gia ngành thép này đã bắt đầu đi xuống sau khi đạt đỉnh vào quý IV năm ngoái.

Kết quả kinh doanh trên được lý giải do nhu cầu thép giảm ở cả trong nước và thế giới. Cùng với đó, giá nguyên vật liệu, đặc biệt là giá than cao gấp 3 lần thời điểm bình thường. Tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh ảnh hưởng không tốt đến hoạt động công ty.

Tại phiên họp đại hội cổ đông thường niên từ hồi tháng 5, khi nói về câu chuyện kinh doanh năm nay, Chủ tịch Hòa Phát cho rằng "ngành thép không thuận lợi".

"Khi có kết quả kinh doanh quý II, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào", ông Long nói khi đó.

Chủ tịch Hòa Phát chỉ ra giá nguyên liệu tăng cao do căng thẳng Nga - Ukraine ảnh hưởng tới chi phí sản xuất. Chính sách "zero Covid" của Trung Quốc cũng khiến nhu cầu thép giảm.

Loạt doanh nghiệp ngành thép lỗ lớn

Không chỉ Hòa Phát, loạt doanh nghiệp khác trong ngành thép cũng báo cáo kết quả không mấy khả quan.

Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã chứng khoán: NKG) mới đây báo lỗ kỷ lục hơn 400 tỷ đồng trong quý III. Doanh thu của Nam Kim cũng giảm gần 1,7 lần so với cùng kỳ, xuống còn 4.437 tỷ đồng.

Từ trước đó, Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (TISCO - mã chứng khoán: TIS) cũng mở đầu kết quả kinh doanh ngành thép quý III với số lỗ đến 25 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn lãi 10 tỷ đồng. Quý lỗ gần nhất của TISCO là quý IV/2018. Đây cũng là mức lỗ đậm nhất của doanh nghiệp này kể từ giữa năm 2013 đến nay.

Hai doanh nghiệp thép thành viên thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) cũng lỗ hàng chục tỷ đồng trong quý III.

Công ty cổ phần Thép Vicasa Vnsteel (mã chứng khoán: VCA) báo cáo doanh thu đạt 477 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Công ty lỗ ròng 22 tỷ đồng và là mức thiệt hại nặng nhất kể từ năm 2009.

Công ty cổ phần Thép Thủ Đức Vnsteel (mã chứng khoán: TDS) vẫn có doanh thu tăng nhẹ 2% lên 412 tỷ đồng trong quý III. Tuy nhiên, giá thép lao dốc và chi phí tài chính tăng mạnh khiến công ty bất ngờ lỗ 22 tỷ đồng, mức lỗ lớn nhất kể từ khi cổ phần hóa.

Hay Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng (mã chứng khoán CBI) cũng thông báo sản lượng tiêu thụ phôi thép quý III giảm 25% so với cùng kỳ. Giá bán giảm 11% góp phần khiến doanh số giảm về còn 400 tỷ đồng, tương ứng "bốc hơi" 33%. Chi phí cao đẩy lợi nhuận sau thuế giảm tới 99%, còn vỏn vẹn 750 triệu đồng.

Vì sao hàng loạt doanh nghiệp ngành thép báo lỗ kỷ lục? - 1

Nhiều doanh nghiệp thép lỗ đậm trong quý III (Ảnh: Hòa Phát).

Triển vọng ngành thép về đâu?

Trước đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã dùng cụm từ "mây mù che phủ" để phân tích về triển vọng ngành thép nửa cuối năm nay.

VCBS dự đoán giá thép Trung Quốc sẽ duy trì mặt bằng thấp trong nửa cuối năm do nhu cầu chưa hồi phục. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất thép cần giải phóng lượng lớn hàng tồn kho hiện hữu. Ngoài ra, giá nguyên, nhiên vật liệu giảm mạnh trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình giảm giá bán.

Ngược lại, vẫn có những nhận định tích cực về triển vọng ngành thép. Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng tình trạng thiếu hụt năng lượng có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn tại châu Âu khiến một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng phải cắt giảm sản lượng, bao gồm sản xuất thép. Điều này tạo ra những cơ hội cải thiện hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Theo Thảo Thu
Fica.vn