Vì sao doanh nghiệp lớn "không tiếc tiền" đầu tư vào Đồng Tháp?
(Dân trí) - Dù được coi là tỉnh “khuất nẻo” ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), nhưng Đồng Tháp là tỉnh duy nhất cả nước đã 11 năm liên tục nằm trong nhóm có chất lượng điều hành cao nhất, "bỏ xa" Hà Nội và TPHCM trên bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho biết, năm 2019 kinh tế - xã hội Đồng Tháp hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra. Cụ thể, ở lĩnh vực kinh tế nông nghiệp duy trì đà tăng trưởng mặc dù năm qua, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, tổng giá trị tăng thêm khu vực nông - lâm - thủy sản ước đạt hơn 18.000 tỷ đồng, tặng hơn 3% so với năm 2018.
Bước sang 2020, Đồng Tháp tiếp tục thực hiện đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp” với mục tiêu rõ ràng là “Hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, chế biến tinh”; chuyển đổi từ thế độc canh, tăng sản lượng lúa gạo sang giảm dần diện tích lúa, luân canh các loại cây trồng, thủy sản khác; thực hiện mục tiêu tri thức hóa nông dân, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp cho người nông dân mà mô hình Hội quán là “bước đệm” để tiến tới thành lập hợp tác xã (HTX) kiểu mới.
Năm 2018, Đồng Tháp đứng vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm 2019 là tỉnh duy nhất có 11 năm liên tục nằm trong nhóm có chất lượng điều hành cao nhất nước.
Để duy trì kết quả này, tỉnh tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ về quy trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thành lập và hoạt động của doanh nghiệp (DN). Cụ thể, là mô hình “4 tại chỗ trong 1 ngày làm việc” được nhiều doanh nghiệp đánh giá rất cao.
Năm qua có nhiều tập đoàn, DN lớn đến Đồng Tháp đầu tư, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 25 dự án, với tổng số vốn gần 4.200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh còn thúc đẩy mạnh mẽ và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án, ý tưởng khởi nghiệp có tiềm năng được ứng dụng vào thực tế, góp phần phát triển kinh tế tư nhân. Ước cả năm 2019 có 520 DN thành lập mới, với số vốn đăng ký kinh doanh khoảng 4.100 tỷ đồng.
Đồng Tháp dù là tỉnh “khuất nẻo” (hệ thống giao thông chưa đồng bộ, thông suốt với các tỉnh khu vực và TP.HCM), tuy nhiên những năm gần đây hệ thống phân phối hàng hóa ngày càng mở rộng và đa dạng với các chuỗi siêu thị, cửa hàng bách hóa tổng hợp hình thành và phát triển rộng khắp đã phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng hơn 95.000 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với năm 2018.
Ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết: Năm 2020, Đồng Tháp tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp; tập trung đào tạo nghề, đưa người dân đi lao động nước ngoài; tiếp tục đảm bảo an ninh trật tự.
Đặc biệt, Đồng Tháp tiếp tục cam kết và quyết tâm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ khởi nghiệp, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa; thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ, đưa du lịch trở thành kinh tế quan trọng gắn với sản phẩm đặc trưng và tạo dựng hình ảnh địa phương.
Nguyễn Hành