Vì sao doanh nghiệp lớn “đội nón ra đi”, nhãn hàng Việt thua ngay trên “sân nhà”?

(Dân trí) - Không ít doanh nghiệp bán đi thương hiệu và quy trách nhiệm cho thể chế, còn xã hội lại cho rằng doanh nhân không có tinh thần thượng tôn pháp luật. Các nhà sản xuất nội đang vào kênh phân phối ngoại và làm cho hàng Việt có nguy cơ mất dần sự phân phối ngay trên sân nhà.

Đó là vấn đề được Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) nêu ra trong phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội chiều nay (30/10) về tình hình kinh tế - xã hội.

Các doanh nghiệp lớn “đội nón” ra đi 

Theo đại biểu, vài năm trước không ít doanh nghiệp đứng trên bục vinh danh thương hiệu quốc gia, bản danh sách này chưa có dấu hiệu dừng lại khi nền kinh tế đất nước đang trong giai đoạn mở. Trong lúc nền kinh tế còn quanh quẩn với hơn 90% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bán đi nội lực trọng yếu có đảm bảo cho kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.

“Hồi tháng 7, BigC thông báo tạm dừng thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp nội địa xem ra chỉ là một trong những phép thử, tiếp sau đó là hàng loạt nhãn hàng Việt phải rút ra khỏi hệ thống bán lẻ để nhường lại cho các nhà nhập khẩu và các nhà phân phối ngoại.” - đại biểu bày tỏ. 

Đại biểu Nhân cho rằng, động thái trên cho thấy sự phụ thuộc của nhà sản xuất nội vào kênh phân phối ngoại mà còn làm cho hàng Việt có nguy cơ mất dần sự phân phối ngay trên sân nhà. Nhập siêu 3,5 tỷ USD từ Thái Lan trong 8 tháng đầu năm có nguyên nhân từ đây. 

Vì sao doanh nghiệp lớn “đội nón ra đi”, nhãn hàng Việt thua ngay trên “sân nhà”? - 1
Đại biểu Phạm Trọng Nhân

Không chỉ dừng lại ở các mặt hàng nhu yếu phẩm, các doanh nghiệp ngoại đang dần chạm vào lõi nền kinh tế nước ta thông qua các thương vụ mua bán cổ phần và tái khởi động dự án cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam. 

“Bằng chứng là tổng số doanh nghiệp logistic ngoại chiếm chưa tới 3% nhưng lại chiếm tới 80% thị phần, việc này không tránh khỏi tài nguyên của nước ta đang bị khai thác nhưng phần lớn lợi nhuận được đưa về chính quốc. Các doanh nghiệp ngoại ngày càng manh nha yếu tố chi phối mạnh mẽ lên sân sau của nền kinh tế Việt Nam.” - ông Nhân cho biết.

Từ năm 2009 - 2018, trung bình mỗi năm có 400 doanh nghiệp với tổng giá trị thương vụ đạt 48,8 tỷ USD. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính tới ngày 20/10, tổng số đăng ký đầu tư nước ngoài đạt hơn 29 tỷ USD, trong đó vốn góp mua cổ phần là 10,8 tỷ USD. Điều này đã cho thấy xu hướng ngoại hóa doanh nghiệp Việt Nam vẫn âm thầm diễn biến mạnh mẽ và phức tạp. 

Đại biểu thông tin, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là khó khăn về vốn, trong đó việc tiếp cận tài chính, đất đai của doanh nghiệp tư nhân hầu như không dễ.

Báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương tại Diễn đàn doanh nghiệp tư nhân năm nay cũng nêu tỷ trọng tín dụng dành cho khu vực này giảm từ 60% năm 2011 xuống còn 41% năm 2017. Doanh nghiệp tư nhân phải tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất ở trong nước cao hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới...

“Đây chắc chắn không phải sự kiến tạo mà người đứng đầu Chính phủ đã kêu gọi trong thời gian qua. Đến nay, chưa có giả thiết nào giải thích đầy đủ cho tình trạng các doanh nghiệp Việt tầm cỡ cứ đội nón ra đi” - Đại biểu Nhân cho biết. 

Tạo nền móng cho người khác xây nhà

Đại biểu đoàn Bình Dương nêu quan điểm, dù các nhà đầu tư ngoại có mở rộng thị trường đến mức nào đi nữa nhưng thương hiệu Việt đó không còn bản chất là hàng Việt với bao tâm huyết, tự hào như lúc khai sinh của những ngày đầu khởi nghiệp.

“Không ít doanh nghiệp bán đi thương hiệu và quy trách nhiệm cho thể chế, còn xã hội lại cho rằng doanh nhân không có tinh thần thượng tôn pháp luật. Trong khi sự đổ lỗi và tranh cãi còn chưa có hồi kết thì điều đáng quan tâm hơn là tiền đồ của đất nước ít nhiều bị mất đi nguồn nội lực, doanh nghiệp bán đi nguồn nội lực.” - đại biểu cho hay. 

Hơn 70% hàng hóa xuất khẩu thuộc về doanh nghiệp FDI, điều này cho thấy doanh nghiệp trong nước đang bị yếu thế. Từ việc doanh nghiệp ngoại dòm ngó vào doanh nghiệp Việt, thâu tóm các doanh nghiệp sau cổ phần hóa tới các doanh nghiệp bắt đầu kinh doanh khởi nghiệp...

“Chúng ta đang tạo nền món cho người khác xây nhà. Từ sản xuất, lưu thông, phân phối, trên bình diện nào cũng chứng kiến sự lớn mạnh của FDI” - đại biểu Nhân bày tỏ lo lắng.

Theo đại biểu đoàn Bình Dương, giải pháp cho tình trạng nói trên không phải chỉ 1-2 giải pháp cụ thể mà phải là giải pháp tổng thể trong cơ cấu nền kinh tế, quan trọng nhất là phải tạo động lực cho phát triển kinh tế tư nhân, cơ cấu lại đầu tư nước ngoài trên nền tảng là nhất quán là nâng cao tính tự chủ, độc lập của nền kinh tế. 

Đặc biệt, vị đại biểu này nói về việc tìm lại hào quang của hàng chục thập kỷ trước và sự trở về không hề dễ dàng với niềm tin duy nhất là “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang diễn ra trong hơn 2 năm qua. 

“Muốn quốc gia hùng cường phải có doanh nghiệp hùng cường, tuy nhiên việc bán đi các trụ cột lớn thì tìm đâu ra lời giải đáp cho câu hỏi: Việt Nam có hùng cường được hay không?” - đại biểu Nhân trăn trở.

Châu Như Quỳnh