Vì sao có hiện tượng điều hòa kém mát trong những ngày nắng nóng cao điểm?
(Dân trí) - Trong ngày nắng nóng, chiếc điều hòa bỗng nhiên "dở chứng", không còn mát như mọi ngày. Nguyên nhân tại sao?
Thời tiết nắng nóng, oi bức, kết hợp cùng hiệu ứng đô thị tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang khiến người dân nếm trải không khí ngột ngạt, khó thở và gia tăng nhu cầu sử dụng điều hòa.
Tuy nhiên, có nhiều gia đình trong những ngày qua dù mua điều hòa đắt tiền và bật cả tiếng đồng hồ nhưng vẫn không thấy mát. Nguyên nhân của vấn đề là do đâu?
Ông Mai Thế Trung, Giám đốc phát triển sản phẩm của Casper Việt Nam chia sẻ về những nguyên nhân này.
Lưới lọc bụi quá bẩn, cản trở hơi lạnh thổi vào phòng
Bảo dưỡng điều hòa là một hoạt động thường bị bỏ quên, dù có tác động rất lớn đến hiệu suất của thiết bị.
Sau một thời gian sử dụng, những mảng bám, bụi bẩn, mạng nhện sẽ tạo ra một lớp ngăn cách ở lưới lọc của dàn lạnh, khiến máy khó thổi hơi mát ra bên ngoài. Bên cạnh đó, điều hòa cũng có thể tỏa ra mùi hôi khó chịu.
Để hạn chế điều này, cần lưu ý vệ sinh bộ phận lưới lọc của điều hòa, từ đó giúp thiết bị hoạt động thông thoáng, sạch sẽ. Bên cạnh đó, hãy nghĩ đến việc vệ sinh cả hai dàn nóng và lạnh.
Với một số mẫu điều hòa, điển hình như hầu hết các dòng điều hòa của Casper đều có trang bị tính năng tự làm sạch I-Clean (hay Auto - clean, Self -Clean) khá thú vị, cho phép người dùng không phải tự tay làm sạch dàn lạnh.
Theo đó, khi chọn chức năng này, ngay lập tức điều hòa sẽ tự động kích hoạt chế độ tự làm sạch trong vòng 20 phút với 5 bước, gồm: đóng băng dàn lạnh, rã băng, cuốn trôi, làm nóng - sấy khô, và quạt tự động làm khô hơi ẩm.
Chức năng này không chỉ giúp ngăn ngừa sự hình thành vi khuẩn, nấm mốc trong dàn lạnh, mang đến không gian sống trong lành hơn, mà còn giúp bạn tiết kiệm kha khá thời gian và công sức để tự tay dọn dẹp như với các dòng điều hòa khác.
Theo các chuyên gia, việc làm sạch hệ thống điều hòa giúp tăng đáng kể hiệu quả hoạt động, đồng thời giúp điều hòa bền hơn, ít tốn điện hơn trong quá trình máy chạy.
Điều hòa thiếu gas
Gas lạnh là yếu tố quan trọng quyết định độ lạnh tốt hay kém của điều hòa. Một chiếc điều hòa hoạt động tốt cần phải có lượng gas đúng đủ theo thông số tiêu chuẩn.
Nếu gas dư sẽ gây hại cho máy nén, ngược lại nếu thiếu gas máy sẽ kém lạnh và hoàn toàn không lạnh khi hết sạch gas.
Thông thường khi sử dụng rất khó để điều hòa thiếu gas, vì đây là loại chất rất bền và không bị hao hụt trong quá trình hoạt động.
Tuy nhiên vẫn thường xuyên xảy một số nguyên nhân khiến điều hòa bị thiếu gas, hết gas. Chủ yếu các trường hợp này là do rò rỉ gas ở một số bộ phận mối nối, mối hàn, hoặc các đường ống tắc nghẽn, khiến gas không cung cấp đủ.
Khi thiếu gas, năng suất hoạt động của điều hòa sẽ không đạt được như bình thường. Lúc bật, máy bị yếu, hoặc ít hơi lạnh mặc dù đã chỉnh nhiệt độ xuống mức thấp.
Điện áp không ổn định do quá tải
Hầu hết các dòng điều hòa tại Việt Nam có thể hoạt động tốt trong phạm vi nguồn điện từ 200 - 230V. Thế nhưng nếu hiện tượng quá tải điện xảy ra, nguồn điện cung cấp có thể giảm xuống thấp hơn mức này.
Điện cung cấp không đủ khiến máy điều hòa, đặc biệt là các dòng thế hệ cũ, máy nén không thể hoạt động trơn tru và kém hiệu quả. Thậm chí một số trường hợp điện chập chờn còn gây cháy, hỏng bảng mạch bên trong thiết bị.
Để khắc phục điều này, người dùng tại những khu vực điện kém ổn định, điện yếu, nên tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết, tránh khung giờ cao điểm (6-8 giờ tối), hoặc mua thêm bộ ổn áp để dùng cho các thiết bị điện trong nhà.
Đặt nhiệt độ quá thấp, dẫn đến máy chạy liên tục, gây quá tải
Theo các chuyên gia, để đảm bảo điều hòa hoạt động làm mát hiệu quả và tiết kiệm điện thì mức chênh nhiệt độ phòng và bên ngoài chỉ nên từ 5 tới 10 độ C.
Đó là vì nếu mức chênh lệch nhiệt độ quá lớn, máy nén sẽ phải hoạt động hết công suất một thời gian dài gây tình trạng quá tải.
Điều này không chỉ gây tốn kém điện năng mà còn khiến điều hòa kém bền, thậm chí là gây hỏng hóc, cháy nổ.
Nhiệt độ ngoài trời quá cao, máy không kịp giải nhiệt kịp
Trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ quá cao, đặc biệt là vào khoảng thời gian từ 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều, có thể khiến điều hòa hoạt động kém hiệu quả hơn so với bình thường.
Đó là vì đa số các thiết bị làm mát hiện nay không có cơ chế bảo vệ quá nhiệt khi nhiệt độ lên trên 43 độ C (46 độ C với các dòng cao cấp), dẫn đến tình trạng điều hòa bị quá tải, chạy ì ạch.
Nếu để tình trạng này tiếp diễn, điều hòa có thể sẽ bị cháy/chập IC, hỏng tụ hoặc nặng hơn là hỏng block.
Để tránh gặp phải tình huống này, hãy để cho điều hòa có quãng thời gian nghỉ ngơi hợp lý trong ngày.
Công suất lạnh của máy không phù hợp với diện tích phòng
Một yếu tố khác cũng hay bị bỏ quên, đó là công suất điều hòa. Nếu công suất nhỏ hơn so với diện tích của căn phòng, việc làm mát của điều hòa sẽ không thể hiệu quả.
Nói cách khác, để điều hòa hoạt động hiệu quả ngay từ ban đầu, bạn nên lựa chọn mẫu mã phù hợp với không gian diện tích lắp đặt.
Theo gợi ý của các chuyên gia, nếu phòng có diện tích nhỏ hơn 15 m2, nên chọn điều hòa có công suất 9000 BTU. Đối với phòng có kích thước từ 15 - 20 m2, nên chọn điều hòa 12.000 BTU.
Tương ứng, bạn nên chọn điều hòa 18.000 BTU đối với không gian từ 20 - 30 m2, và 24.000 BTU đối với không gian 30 - 40 m2.