Vì sao Bộ Thương mại từ chối mua xăng giá rẻ?

(Dân trí) - Tại sao Bộ Thương mại không chấp thuận cho Tổng Công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) cơ hội mua xăng dầu giá rẻ từ công ty Project Equity Nominees (PEN)? Câu chuyện đã khiến buổi gặp mặt báo chí nhân ngày nhà báo Việt Nam (21/6) tại Bộ Thương mại do Bộ trưởng Trương Đình Tuyển chủ trì trở nên khá căng thẳng.

Sự việc bắt đầu từ thư phản ánh của ông Phạm Ngọc Hà, Giám đốc Công ty Tư vấn và Thương mại Hải Vân, đơn vị được Công ty Australian Crucible Minerals (ACM), một công ty của Việt kiều giới thiệu làm đại diện và môi giới bán xăng dầu vào VN.

Thay mặt Công ty PEN, Công ty ACM đã thông qua ông Hà chào bán dài hạn trên 200.000 tấn đối với từng loại sản phẩm, trong vòng 10 năm cho thị trường VN thông qua các đầu mối nhập khẩu xăng dầu là Petrolimex và Vinapco.

Như vậy nếu Petrolimex chấp nhận mua xăng của PEN thì giá chỉ tương đương 7.940 đồng/lít. Tuy nhiên, đơn chào hàng này đã không được Bộ Thương mại chấp nhận.

Giải thích về lý do không đồng ý với giao dịch thương mại này, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển khẳng định, theo Ngân hàng Citibank VN, Công ty PEN không phải là khách hàng của Citibank Úc. Ngoài ra, Công ty mẹ của PEN là Project Equity Service Group (PESG - đã ủy quyền cho PEN bán hàng) cũng không phải là đơn vị có tiếng tăm trong lĩnh vực cung cấp xăng dầu.

Ông Tuyển cũng chỉ ra những rủi ro nếu thực hiện hợp đồng này, đó là việc những điều kiện mà bên bán đưa ra không phù hợp với phương thức buôn bán xăng dầu mà các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu VN đang áp dụng. Đó là việc chào hàng phải được cụ thể hóa bằng từng lô hàng, loại hàng, thời gian và địa điểm giao hàng.

Ngoài ra, điều kiện ghi trong hợp đồng: “Bên bán sẽ trả lại tiền và đền bù thiệt hại nếu bên bán vi phạm hợp đồng và điều này phải được sự xác nhận của… chính bên bán”, ông Tuyển cho rằng, điều kiện này là “không thể chấp nhận được”.

Hơn nữa, Phòng thương mại Úc - Việt đã có 3 bức thư trả lời Bộ Thương mại và khẳng định công ty này không đảm bảo uy tín cho việc ký kết một hợp đồng lớn như vậy. Ông Tuyển cũng cung cấp thêm thông tin, công ty này đã nhiều lần phải hầu tòa và chỉ duy nhất một lần… thắng.

Trên thực tế, mặc dù  Petrolimex đã đồng ý đàm phán để mua 25.000 tấn diesel (trị giá khoảng 15 triệu USD) nhưng ACM trả lời: “PESG là tập đoàn bán buôn chứ không bán lẻ”. Tuy nhiên, theo ông Tuyển, ngay cả những tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới như Shell cũng nhận những hợp đồng khoảng 10.000 tấn.

Bộ trưởng Tuyển cũng chỉ ra điểm mấu chốt của hợp đồng này, đó là bên bán đưa ra yêu cầu phải có thư bảo lãnh vô điều kiện của ngân hàng bên mua với toàn bộ lô hàng, thời gian trả chậm (13 tháng rưỡi): “Họ sẽ dùng thư bảo lãnh này để thực hiện những bản hợp đồng mua bán với các đối tác khác vì thực chất họ không có tải sản lớn để có thể thế chấp tại ngân hàng”, ông Tuyển cho biết.

“Tại sao khi ta trả tiền ngay họ không chịu bán. Liệu đã có ai đặt câu hỏi, vì sao họ không thích trả tiền ngay mà lại chỉ yêu cầu trả tiền chậm? Tại sao họ không đàm phán trực tiếp với người mua hàng mà nhất quyết phải thông qua trung gian? Chỉ nhìn vào những điều kiện của hợp đồng là tôi đã khẳng định không thể ký kết”, ông Tuyển nói.

Ngoài ra, ông Tuyển cũng cho rằng, cách tính giá xăng theo lý giải một số người là chưa chính xác vì mức giá này chưa tính đầy đủ các khoản nộp ngân sách theo luật định: “Khi tính giá xăng cần tính đầy đủ các khoản như nộp ngân sách và các chi phí kinh doanh như: thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, chi phí lưu thông...” - ông Tuyển kết luận.

Đức Hòa