1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Vì sao Bộ Tài chính hủy dự toán hơn 2.400 tỷ đồng xử lý môi trường?

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết hàng năm chi không hết vốn ngân sách của sự nghiệp môi trường, trong giai đoạn 2016-2020 phải hủy dự toán 30,8%, tương đương 2.416 tỷ đồng.

Sáng nay (9/11), Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Một số vấn đề về chi ngân sách nhà nước trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu và mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2021 được các đại biểu đặt câu hỏi.

Đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa): Đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Tài chính và giải pháp khắc phục trong việc lập dự toán dự thực hiện chi lĩnh vực tài nguyên môi trường giai đoạn vừa qua phải hủy 30,8% dự toán ngân sách, tương đương 2.400 tỷ đồng.  

Về việc này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Trong thời gian vừa qua, một số lĩnh vực ưu tiên bố trí ngân sách là giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, y tế. Thực tế đã bố trí đúng yêu cầu về chi ngân sách.

“Tuy nhiên, đúng như đại biểu nêu, hàng năm chi không hết vốn ngân sách của sự nghiệp môi trường, giai đoạn 2016-2020 phải hủy dự toán 2.416 tỷ đồng” - Bộ trưởng Tài chính nói và cho rằng có 3 nguyên nhân.

Vì sao Bộ Tài chính hủy dự toán hơn 2.400 tỷ đồng xử lý môi trường? - 1
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (ảnh: Quốc Chính)

Nguyên nhân thứ nhất, theo quy định, tại thời điểm tháng 10 hàng năm, khi Chính phủ báo cáo Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước thì các Bộ, ngành, địa phương phải phê duyệt nhiệm vụ toán sự nghiệp môi trường để làm cơ sở phân bổ dự toán, nhưng trong thực tế việc phê duyệt này bị chậm và chỉ đạt 50-60%, số còn lại phải phân bổ trong năm, có trường hợp cuối năm mới phân bổ hoặc có năm không phân bổ hết.

Nguyên nhân thứ hai, chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường có tính chất đầu tư thì Luật Bảo vệ môi trường không cho phép; vấn đề này Bộ đã báo cáo Chínhphủ, Quốc hội và đã xử lý. Nguyên nhân thứ ba là với xử lý các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thì theo quy định, Trung ương hỗ trợ 50%, địa phương chi 50% kinh phí, nhưng nhiều địa phương khó khăn, không bảo đảm được khoản chi này. 

Về giải pháp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, các địa phương phải tăng tiến độ phê duyệt nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Nghiên cứu sửa đổi Luật bảo vệ môi trường và các văn bản cho phù hợp…

Đại biểu Đinh Công Nhường (đoàn Bình Định) đặt vấn đề: Nếu tăng trưởng kinh tế năm 2021 dưới 6% thì giải pháp nào để tăng thu, sử dụng chi có hiệu quả, giảm nợ công, giảm bội chi để đảm bảo an toàn ngân sách?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin, năm 2020 mục tiêu đề ra tăng trưởng kinh tế đạt 6,8%, tuy nhiên thực tế chỉ đạt từ 2-3%. Năm 2021, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đạt 6% cần tăng cường tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để tăng trưởng kinh tế; đặc biệt tiép tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu trong nước.

Bộ Tài chính sẽ cùng với các địa phương tăng cường công tác quản lý thuế, tăng cường thanh kiểm tra để chống chuyển giá, chống trốn thuế và thu hồi nợ đọng thuế. 

Bám sát dự toán năm 2020 được Quốc hội thông qua, trường hợp có những biến động tới tăng trưởng thì phải bám vào các quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước để báo cáo, giải quyết theo thẩm quyền.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời các câu hỏi về đầu tư kè biên giới và về xây dựng công trình ứng phó biến đổi khí hậu.

Vì sao Bộ Tài chính hủy dự toán hơn 2.400 tỷ đồng xử lý môi trường? - 2
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng (ảnh: Quốc Chính)

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Về kè biên giới có rất nhiều kè phải đầu tư, tuy nhiên chương trình tổng thể kè biên giới chưa xây dựng được mà chỉ tập trung xử lý các công trình cấp bách. Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các bộ ngành xây dựng chương trình tổng thể để đầu tư căn cơ, bài bản, lâu dài.

Về các công trình biến đổi khí hậu, trong đó có các tuyến đê xung yếu, vị Bộ trưởng này thông tin Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm, sử dụng nguồn dự phòng, tăng thu, vượt thu, kết dư… để thực hiện.

“Đến nay đã tổng hợp khoảng 4.800 tỷ đồng để khắc phục các tuyến đê xung yếu, các địa phương đang triển khai” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.