Vì sao Bộ Giao thông “nới” tuổi “nghỉ hưu” của máy bay lên 30 năm?

(Dân trí) - Tại dự thảo sửa đổi Nghị định 92/2016/NĐ-CP và Nghị định 30/2013/NĐ-CP liên quan đến lĩnh vực kinh doanh hàng không dân dụng, Bộ GTVT đề xuất nâng độ tuổi máy bay vận chuyển hành khách từ 20 năm lên 25 năm, máy bay chở hàng từ 25 năm lên 30 năm. Lý do được đưa ra là để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Tuổi nghỉ hưu của máy bay được đề xuất nới lên 25-30 năm
Tuổi "nghỉ hưu" của máy bay được đề xuất nới lên 25-30 năm

Với đề xuất nói trên, dư luận lo ngại về tính an toàn của loại hình vận tải có điều kiện trong lĩnh vực hàng không hiện nay. Tại cuộc họp báo quý III/2018 Bộ GTVT, ông Trần Bảo Ngọc – Vụ trưởng Vụ Vận tải đã trả lời về vấn đề này.

Theo ông Trần Bảo Ngọc, trong quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 92, đã có ý kiến cho rằng tuổi máy bay hiện nay đang quy định quá “chặt”, đặc biệt là tuổi tàu bay được phép nhập khẩu vào Việt Nam.

“Với tinh thần thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, Vụ Vận tải đã nghiên cứu dựa trên quy định của nhiều quốc gia trên thế giới, quy định của Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO) cho thấy so với tuổi tàu bay của các quốc gia khác thì của Việt Nam đang khá “chặt chẽ”. Cùng với thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Vận tải nhận thấy với mức hiện nay, nới tuổi “nghỉ hưu” của máy bay lên 25 - 30 năm thì cũng chưa tới tuổi “nghỉ hưu” của tàu bay trung bình trên thế giới.” - ông Trần Bảo Ngọc cho biết.

Về vấn đề an toàn, ông Ngọc thừa nhận, tuổi máy bay có tác động nhất định tới sự an toàn của phương tiện tàu bay nhưng không quyết định hoàn toàn. Sự an toàn của một tàu bay phụ thuộc vào bảo dưỡng, duy trì, vận hành cũng như các điều kiện riêng của từng quốc gia, các quy định của ICAO và điều kiện riêng của Việt Nam.

Về nghi vấn liệu có phải việc nâng tuổi này nhằm mục đích tạo điều kiện cho hãng hàng không Tre Việt mà không cân nhắc đến an toàn, ông Trần Bảo Ngọc khẳng định, khi Bộ GTVT lấy ý kiến của các doanh nghiệp để xây dựng dự thảo thì Tre Việt chưa phải là hãng hàng không nên không thuộc diện được tham vấn. Những đề xuất được Tổ soạn thảo ghi nhận hoàn toàn là của các Hãng hàng không hiện tại của Việt Nam.

Liên quan đến tuổi “nghỉ hưu” của máy bay, ông Võ Huy Cường - Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - thông tin thêm, máy bay mua và thuê mua hạn chế tuổi tới khi vào Việt Nam nhằm ngăn ngừa thuê tàu bay cũ.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chưa có điều kiện năng lực trình độ, hạ tầng, kiểm tra giám sát máy bay, quy định hạn mức máy bay khách là 20 năm khi kết thúc tàu bay thuê. Hiện nay, điều kiện Việt Nam phát triển hơn, năng lực quản lý tăng, hợp tác quốc tế sâu rộng, đặc biệt về an toàn, nên có nới thêm 5 năm tuổi đối với máy bay chở hàng và khách.

Theo ông Cường, việc “nới” tuổi cho máy bay cũng nhằm tạo điều kiện cho Việt Nam có thêm vị thế để đàm phán, các hãng có thuê vào các dịp cao điểm như Tết hay thuê thời gian ngắn.

Châu Như Quỳnh

Vì sao Bộ Giao thông “nới” tuổi “nghỉ hưu” của máy bay lên 30 năm? - 2