Vì đâu kinh tế Ukraine quay cuồng trong khủng hoảng?

(Dân trí) - Tình hình tại Ukraine đang ngày một nóng khi những bất ổn về chính trị có nguy cơ đẩy quốc gia này vào một cuộc xung đột quân sự, mà nguyên nhân sâu xa có lẽ chính là ở một nền kinh tế gần như suy sụp dưới thời cựu Tổng thống Viktor Yanukovych.

Ukraine đang đối mặt vô vàn khó khăn
Ukraine đang đối mặt vô vàn khó khăn

Cùng tuyên bố độc lập sau khi Liên Xô (cũ) tan dã, nhưng nay trong khi quốc gia láng giềng Ba Lan đã là thành viên của EU và kinh tế đang phát triển ngày một khả quan sau những cải cách, thu hút đầu tư, Ukraine lại chìm trong khủng hoảng. Đây được cho chính là nguyên nhân vì sao những người biểu tình chống chính phủ nước này quyết lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych, sau khi ông bác bỏ đề xuất gia nhập EU.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Xét về GDP bình quân đầu người, Ba Lan đang giàu gấp ba lần quốc gia láng giềng khi đạt 22.200 USD/người, trong khi con số này của Ukraine chỉ vỏn vẹn 7300 USD/người, dù đã điều chỉnh theo chi phí sinh hoạt thấp hơn. Trên toàn thế giới, quy mô kinh tế Ukraine chỉ được xếp hạng 137, sau cả những quốc gia như El Salvador, Namibia, hay Guyana.

Các buộc biểu tình bắt đầu nổ ra hồi tháng 11, sau khi ông Viktor Yanukovych bác bỏ một thỏa thuận với EU, mà theo đó nền kinh tế nước này sẽ tuân theo những tiêu chuẩn gần với EU hơn.

Theo các chuyên gia, tình hình lẽ ra đã không tồi tệ đến như vậy, bởi Ukraine là một thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng, với 46 triệu dân. Quốc gia này có một lực lượng lao động có trình độ cùng một thị trường xuất khẩu giàu có và ngay kế bên tại EU. Ukraine cũng có những hạ tầng công nghiệp tốt và nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đặc biệt là đất canh tác.

Vậy vì đâu quốc gia này rơi vào tình cảnh như hiện nay?

Trước hết, Ukraine đã không có những cải cách sâu rộng để hiện đại hóa ngành sản xuất công nghiệp, với những sản phẩm truyền thống như sắt, thép và hóa chất. Các công ty quốc doanh cũ của quốc gia này, thường rơi vào tay những người có ảnh hưởng chính trị sau khi được cổ phẩn hóa, vẫn tiếp tục dựa trên nguồn khí đốt giá rẻ từ Nga, và hoạt động xuất khẩu nguyên liệu thô ra thế giới.

Những yếu tố này từng giúp kinh tế Ukraine tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2000 - 2008, nhưng cũng làm giảm áp lực hiện đại hóa. Khi kinh tế toàn cầu lâm vào khủng hoảng 2008, xuất khẩu nguyên liệu thô của nước này lao dốc. Trong khi đó năm 2009, Nga đã tăng mạnh giá khí đốt bán cho Ukraine, khiến các ngành xuất khẩu của nước này càng thêm lao đao.

Pekka Sutela, một nhà kinh tế đại đại học công nghệ Lappeenranta của Phần Lan, người đã có nghiên cứu sâu rộng về các nền kinh tế hậu Liên Xô, đã gọi sự tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ dựa vào khí đốt là “lời nguyền Ukraine”. “Nền kinh tế nước này đã tăng trưởng mà không thực thi những thay đổi cần thiết”, ông Sutela nói.

Naftogaz, công ty khí đốt quốc doanh của Ukraine bán khí đốt cho người dân với giá chỉ bằng 20% giá họ nhập về từ Nga. Điều đó có nghĩa là mỗi năm, chính phủ nước này phải chi tới 7,5% GDP đề trợ giá cho khí đốt. Hậu quả là thâm hụt ngân sách ngày một lớn và chính phủ buộc phải đi vay để bù đắp.

Quỹ tiền tệ quốc tế IMF từng tìm cách hỗ trợ Ukraine vượt qua các khó khăn hậu khủng hoảng, trong đó có các khoản cho vay năm 2008 và 2010. Thế nhưng trong cả hai lần, IMF đều đã ngừng cho vay sau khi chính phủ Ukraine từ chối tuân thủ những yêu cầu về chính sách, bao gồm việc tăng giá khí đốt, hoặc cắt giảm các khoản lương và trợ cấp hào phóng của chính phủ.

Không chỉ chậm đổi mới, theo một bản báo cáo của Ngân hàng thế giới WB, nền kinh tế Ukraine còn bị “kéo lùi” bởi tình trạng tham nhũng tràn lan. Bảng xếp hạng của tổ chức Minh bạch quốc tế năm 2013 đã đặt Ukraine ở hạng 144/175 quốc gia trong bảng chỉ số cảm nhận tham nhũng của tổ chức này, sau cả Papua New Guinea, Nigeria và Iran.

Theo một số nhà hỗ trợ doanh nghiệp, một số chủ công ty tại Ukraine đôi khi thích chi tiền hối lộ hơn là tuân thủ các quy định và chính sách thuế, mà họ cho rằng quá phức tạp và nặng nề, có thể khiến họ phá sản nếu tuân theo.

Luật thuế doanh nghiệp của quốc gia này cần tới 390 giờ mỗi năm để thực thi và tiêu tốn đến 54,9% lợi nhuận của doanh nghiệp. Chính điều này lí giải vì sao Ukraine xếp hạng 164/189 quốc gia về sự dễ dàng trong nộp thuế theo khảo sát của WB.

Về tình hình tài chính, hiện Ukraine đang khó khăn đến độ họ sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ trong năm nay nếu không được các chủ nợ nước ngoài cho vay. Với tình trạng thâm hụt ngân sách còn tiếp diễn, Ukraine sẽ cần vay từ 7 - 10 tỷ USD để trả nợ chỉ trong năm nay. Và với triển vọng kinh tế u ám, nước này sẽ khó lòng phát hành trái phiếu để vay nợ.

Không những vậy, ngân hàng trung ương Ukraine đã phải sử dụng tới lượng dự trữ ngoại hối vốn đang giảm mạnh, và chỉ còn 17,8 tỷ USD vào cuối tháng Giêng, để giữ cho đồng nội tệ hryvnia khỏi lao dốc.

Một trong những lý do khiến họ làm vậy có thể là nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng đang nắm giữ các khoản nợ bằng USD, và nếu đồng hryvnia sụt giá mạnh, tình trạng phá sản trên diện rộng.

Thanh Tùng
Theo AP
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước