1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vị CEO làm việc miệt mài không nhận lương trong 9 năm

(Dân trí) - Giờ đây, mỗi lần tôi nhận được tiền lương, tôi cảm thấy như mình vừa trúng xổ số, Vicky Tsai, nhà sáng lập kiêm CEO của Tatcha nói. “Tôi thực sự rất ngạc nhiên vì số tiền tôi nhận được”.

Vị CEO làm việc miệt mài không nhận lương trong 9 năm - 1

Vicky Tsai, nhà sáng lập của Tatcha.

Năm 2009, Vicky Tsai đã nghỉ việc ở Phố Wall, bán nhẫn đính hôn, về nhà với mẹ và bắt đầu thành lập một công ty làm đẹp từ một nhà để xe ở San Francisco.

Trong vòng sáu năm, công ty Tatcha của cô được mệnh danh là công ty do phụ nữ lãnh đạo phát triển nhanh thứ 2 trong danh sách 5000 công ty mới thành lập hàng đầu nước Mỹ. Thương hiệu chăm sóc da xa xỉ của cô kiếm được 70 triệu USD doanh thu trong năm 2018, theo Bloomberg, và được Unilever mua lại vào mùa hè năm 2019.

Trong phần lớn thời gian kể tử khi thành lập công ty đến năm 2019, Tsai không bao giờ nhận tiền lương, và thay vào đó, cô tái đầu tư bất kỳ khoản thu nhập nào mà cô kiếm được vào công ty. Cô nói rằng quyết định này là nền tảng cho sự khởi đầu của Tatcha.

“Việc tiêu xài số tiền tôi kiếm được một cách không khoa học là việc làm vô nghĩa nhất”, Tsai nói với CNBC Make It.

Cô sinh viên tốt nghiệp trường đại học kinh doanh Harvard nói thêm, “Tiêu xài tiền một cách vô nghĩa không phải là tiền lệ cho loại công ty mà cô muốn xây dựng”.

Các sản phẩm của Tatcha được tổng hợp từ các nghi thức làm đẹp qua nhiều thế hệ của Nhật Bản. Tsai khi bay trên một chuyến bay đi nghỉ ngơi ở Nhật Bản và đang bị viêm da cấp tính đã bị cuốn vào các thành phần đơn giản của nghi thức chăm sóc da của Nhật Bản và muốn tạo ra các sản phẩm tương tự không chứa những chất hóa học, nước hoa tổng hợp, dầu khoáng và các chất khác có thể gây nên kích ứng.

Khi mới bắt đầu, cô đã gặp rất nhiều khó khăn: Các công ty do phụ nữ sáng lập thường phải đối mặt với các rào cản lớn cho việc xin tài trợ cho doanh nghiệp của họ.

Một nghiên cứu gần đây từ Crunchbase cho thấy vào năm 2019, cứ 100 đô la được đầu tư cho các công ty startup, chỉ có 3 đô la được chuyển đến các công ty do phụ nữ thành lập.

Vì vậy, việc tự cấp vốn đã trở nên thiết yếu đối với Tatcha khi mới bắt đầu. Trong thời gian đỉnh điểm, Tsai ước tính cô đã vay nợ lên tới 1 triệu USD qua các khoản vay sinh viên, cũng như qua thẻ tín dụng thả nổi của công ty.

Có một thời gian, Tsai làm bốn công việc phụ, bao gồm cả việc dọn dẹp và trang trí các căn hộ, trong khi chồng cô, Eric, trở thành người có “tiền lương thật” duy nhất trong gia đình. Hầu hết thu nhập của cô được sử dụng để quay vòng và phát triển Tatcha.

Bây giờ, sau khi đạt được thành công, Tsai mới bắt đầu nhận lương.

Mỗi lần tôi nhận được tiền lương, tôi cảm thấy như mình vừa trúng xổ số, cô nói. “Tôi thực sự rất ngạc nhiên vì số tiền tôi nhận được”.

Điều đầu tiên tôi làm khi bắt đầu nhận lương và chuyển ra khỏi nhà mẹ tôi là tôi đã cho đi tất cả mọi thứ, Tsai nói: “Tôi thấy cầm tiền và chi tiêu là một gánh nặng rất lớn, vì vậy tôi không muốn giữ chúng”.

Cô ít khi chi tiêu cho bản thân mình vì lịch trình làm việc luôn bận rộn, nhưng cô luôn cố gắng đầu tư vào những thứ mới mẻ để giúp con gái của cô, Alea được quan sát mọi vấn đề của thế giới.

“Tôi đã đưa con đi cùng trong các chuyến đi thăm các trường học trên khắp thế giới, nơi tôi gửi tiền tài trợ giáo dục cho các trường học này”, cô nói.

Thùy Dung

Theo CNBC