1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Về quê khó lắm: Một sếp doanh nghiệp 3 năm xin nghỉ việc 3 lần

Khổng Chiêm

(Dân trí) - 3 năm là 3 lần bà Kim Kiều - Thành viên Ban Kiểm soát Công ty Vận tải biển Sài Gòn - có đơn xin từ nhiệm. Cùng với đó, nhiều lãnh đạo khác tại công ty này vừa nộp đơn từ nhiệm vì nhiều lý do khác.

Công ty cổ phần Vận tải biển Sài Gòn (mã chứng khoán: SGS) chuẩn bị tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024. Trước thềm đại hội, nhiều lãnh đạo tại doanh nghiệp này có đơn từ nhiệm.

Bà Dương Thị Kim Kiều - Thành viên Ban kiểm soát - tiếp tục gửi đơn từ nhiệm sau 2 lần trước đó không thành. Lý do, việc từ nhiệm được bà Kiều nêu vì hoàn cảnh gia đình và sức khỏe không còn được đảm bảo để đảm nhận công việc được phân công. Bà đã phải trở về quê để ổn định cuộc sống nên không thể tiếp tục công việc.

Trước đó, bà Kiều có 2 lần gửi đơn từ nhiệm vị trí trên. Đầu tiên, vào ngày 25/5/2022, bà nộp đơn từ nhiệm để ĐHĐCĐ thường niên 2022 xem xét nhưng không được đại hội thông qua.

Đến tháng 6/2022, bà tiếp tục gửi đơn từ nhiệm để ĐHĐCĐ xem xét và đến tháng 7/2022, ĐHĐCĐ đã biểu quyết thông qua việc miễn nhiệm chức danh Thành viên Ban Kiểm soát đối với bà.

Tuy nhiên, tháng 9/2023, tòa án tuyên hủy Nghị quyết ĐHĐCĐ tháng 7/2022 của công ty, đồng nghĩa với quyết định miễn nhiệm chức danh Thành viên Ban Kiểm soát với bà không còn hiệu lực.

Cùng với bà Kim, ông Phạm Văn Hưởng - Tổng giám đốc - cũng nộp đơn từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc từ ngày 20/6. Lý do từ nhiệm là chuyển công tác.

Đồng thời, ông Lê Minh - Thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐQT và bà Huỳnh Thị Như Ý - Thành viên HĐQT - cũng có đơn từ nhiệm. Ông Minh cho biết lý do từ nhiệm là nhằm giải quyết việc gia đình. Còn bà Ý xin từ nhiệm với lý do vì công việc cá nhân và theo phân công của cổ đông đề cử. Được biết, ông Minh mới đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT từ ngày 14/5 vừa qua, đến nay chỉ khoảng 1 tháng.

Về quê khó lắm: Một sếp doanh nghiệp 3 năm xin nghỉ việc 3 lần  - 1

Công ty Vận tải biển Sài Gòn hoạt động trong lĩnh vực kho bãi, đại lý tàu biển... (Ảnh minh họa: SGS).

Công ty Vận tải biển Sài Gòn ra đời từ năm 1981, trụ sở chính tại quận 1, TPHCM. Công ty hoạt động trong lĩnh vực kho bãi, đại lý tàu biển, giao nhận hàng hóa quốc tế và trong nước, khai thuê hải quan, vận tải hàng hóa bằng đường bộ.

Theo báo cáo thường niên 2023, công ty có 2 cổ đông lớn gồm Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Tiếp vận Toàn cầu (GLS), tỷ lệ sở hữu lần lượt 51% và 37,42%.

Tuy nhiên, GLS có những bất đồng nhất định về quan điểm với Samco. Thể hiện rõ nhất là tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2022, GLS đã nộp đơn kiện ra tòa, yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết ĐHĐCĐ đã được ban hành.

Kết quả, tòa đã hủy bỏ Nghị quyết này vì cho rằng Nghị quyết được ban hành khi chưa đủ đại diện (ít nhất 65% tổng số cổ phiếu biểu quyết chấp thuận) là vi phạm nghiêm trọng Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty và Luật Doanh nghiệp 2020.

Quý đầu năm nay, Công ty Vận tải biển Sài Gòn đạt doanh thu hơn 49 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 7,6 tỷ đồng, giảm 35%.

Công ty có nợ vay tài chính 807 triệu đồng, con số rất nhỏ so với vốn chủ sở hữu gần 296 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng có khoảng 208 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (tiền gửi).

Công ty này còn có đầu tư gần 19 tỷ đồng, góp vốn vào Công ty Liên doanh Vận tải thủy Sea Sài Gòn với tỷ lệ góp vốn 51%. Tuy nhiên, Công ty Sea Sài Gòn đang trong quá trình làm thủ tục phá sản nên doanh nghiệp phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn toàn bộ số tiền đầu tư trên.