1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

VCCI kiến nghị Thủ tướng vụ Hải Phòng tận thu phí doanh nghiệp xuất nhập khẩu

(Dân trí) - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có công văn kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ liên quan tới việc thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng.

Tại công văn này, VCCI cho biết, trong thời gian qua, với việc ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ hiệu quả hoạt động sản kinh doanh của doanh nghiệp cũng như những hành động cụ thể và thiết thực, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã và đang tạo được niềm tin vững chắc của cộng đồng doanh nghiệp về một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và thuận lợi.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, theo phản ánh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp, hiệp hội xuất nhập khẩu, chính sách về phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng đang gây nhiều quan ngại về tính nhất quán trong chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp mà Chính phủ đang hướng đến.

"Mức phí đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan: tăng cao so với mức phí của năm 2016. Quy định thêm mức phí hoàn toàn mới đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu. Chính sách phí này đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất… qua cảng biển Hải Phòng", VCCI cho biết.

Gia tăng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp

Theo phản ánh của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam và nhiều doanh nghiệp hội viên của VCCI thì với chính sách tăng phí và bổ sung phí mới tại Nghị quyết 148 “một số doanh nghiệp sợi dệt trung bình và lớn tại khu vực Thái Bình và Hà Nam, lượng xuất khẩu từ 150 – 400 container (40ft)/tháng/doanh nghiệp thì mỗi doanh nghiệp sẽ phải chi thêm từ 900 triệu đồng đến 2,4 tỷ đồng/năm”. Các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trong ngành, lĩnh vực khác, dự kiến sẽ tốn thêm nhiều chi phí cho mỗi lần thông quan.

Theo VCCI, đây trở thành gánh nặng mới về phí cho các doanh nghiệp, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều các loại phí khác (phí cầu đường, các loại phí phát sinh khi sử dụng cầu cảng, kho bãi, các công trình dịch vụ ở khu vực cảng biển, …) và nhiều loại cũng đang tăng nhanh (như phí BOT). Điều này sẽ tác động trực tiếp đến chi phí, lợi nhuận của các doanh nghiệp và làm suy giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam.

"Bằng việc đặt ra thêm loại phí mới và tăng khoản phí cũ, Nghị quyết 148 của Hải Phòng đã đi ngược lại tinh thần lại Nghị quyết 35 của Chính phủ về rà soát để giảm các chi phí kinh doanh, một trong năm nhóm giải pháp quan trọng của Nghị quyết 35", công văn của VCCI nêu rõ.

Gia tăng thủ tục hành chính khi thực hiện thông quan

Theo VCCI, để được thông quan tại cảng biển Hải Phòng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải thực hiện thêm một thủ tục kê khai nộp phí hạ tầng mới. Doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục hành chính như đến điểm thu phí, nhận tờ khai, kê khai và nộp tiền, theo thông tin từ doanh nghiệp thì thời gian để thực hiện cho thủ tục này từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ (chưa kể các khâu chuẩn bị và các vướng mắc phát sinh).

Trong bối cảnh Nhà nước đang có nhiều chính sách thúc đẩy cải cách hành chính, đặc biệt là đơn giản hóa các thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu chuyên ngành, đảm bảo hoạt động thông quan nhanh chóng và thuận lợi, thì việc phát sinh thêm thủ tục hành chính khiến cho hoạt động thông quan bị kéo dài, nhiều doanh nghiệp đánh giá là “bước lùi” của chính sách, đi ngược lại tinh thần cải cách mà Chính phủ đang xây dựng và hướng đến.

Bên cạnh đó, so với hiện hành, mức phí theo quy định tại Nghị quyết 148, tăng cao (tăng đến gần 70%, có loại phí tăng gấp đôi) đối với những loại phí đang thu và bổ sung thêm loại phí mới. Phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng trước đó đã được điều chỉnh vào năm 2015 và tiếp tục được điều chỉnh vào cuối năm 2016, theo hướng năm sau tăng cao hơn năm trước.

Các doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng lộ trình tăng phí ở Hải Phòng là quá ngắn (3 năm tăng 3 lần), mức tăng cao cho mỗi lần điều chỉnh (tăng trên 50%) và dường như các mức phí không phù hợp với nguyên tắc xác định mức phí theo quy định tại pháp luật về phí và lệ phí [3] và chưa giải đáp thỏa đáng được các câu hỏi xung quanh mức phí này (các công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng nào được sử dụng? Mức thu phí này đủ bù đắp như thế nào? Tại sao lại mức tăng phí cao và gần như liên tục như vậy trong thời gian qua?).

Điều này cho thấy chính sách ban hành chưa minh bạch và thiếu ổn định, gây bất ổn cho tâm lý và niềm tin của các nhà đầu tư về môi trường kinh doanh nước ta nói chung.

Quy trình xây dựng chính sách còn nhiều bất cập

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội thì quy trình xây dựng Nghị quyết 148 của Hải Phòng chưa phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, nhất là quy trình lấy ý kiến, khi doanh nghiệp nhận biết được thông tin này gần với ngày ký ban hành, không có đủ thời gian để tham gia ý kiến. Các giải trình từ phía cơ quan chủ trì soạn thảo chưa đủ thuyết phục, ít nhất là các điểm về căn cứ ban hành các mức phí, đánh giá tác động của chính sách đến đối tượng chịu tác động trực tiếp cũng như gián tiếp.

Hơn nữa, thời điểm ký ban hành Nghị quyết (ngày 13/12/2016) đến thời điểm phát sinh hiệu lực là 01/01/2017 là khoảng thời gian quá ngắn (17 ngày), không đủ cho các doanh nghiệp chuẩn bị để áp dụng chính sách mới, trong khi đây lại là chính sách tác động rất lớn tới quyền và lợi ích của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tại cảng biển Hải Phòng. Doanh nghiêp phản ánh có nhiều chuyến hàng bị lỗ vì hàng đang trên đường về và giá đã thoả thuận từ trước rồi.

Hiện tại, Nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động, phát triển, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi thì chính sách bổ sung phí mới và tăng phí của văn bản này, đang đi ngược lại tinh thần của các chính sách tích cực trên và làm suy giảm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lo ngại việc ban hành Nghị quyết 148 tại Hải Phòng sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm để các địa phương có cảng biển và cảng sân bay sẽ đặt ra các loại phí trong thời gian tới, tạo ra những bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.

Vì vậy, VCCI cho rằng, để đảm bảo tính nhất quán trong chính sách đề nghị Thủ tướng cân nhắc, xem xét những tác động của chính sách trên và chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền của Hải Phòng: Đồng thời, giải trình thuyết phục về các căn cứ đưa ra các mức phí tại Nghị quyết 148, trong đó có đánh giá tác động một cách toàn diện các đối tượng chịu tác động.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm