Vay tiền ngân hàng, chết rồi nợ vẫn đọng trên sổ sách

(Dân trí) - Có nhiều trường hợp, vay tiền ngân hàng rồi biến mất, hoặc đã chết nhưng nợ vẫn còn đọng trên sổ sách, không thể xoá được. Đây là thực tế tồn tại nhiều năm qua tại nhiều ngân hàng, khi Việt Nam chưa có luật phá sản cá nhân.

Ngân hàng ồ ạt cho vay tiêu dùng

Thời điểm cuối năm, khi người người cần nhà để ở, cần xe để di chuyển cũng là lúc các ngân hàng ồ ạt gói lớn, gói nhỏ cho vay tiêu dùng. Có thể thấy, loại hình cho vay tiêu dùng được nhiều ngân hàng áp dụng hiện nay là cho vay mua ô tô và bất động sản.

Trong đó, với tốc độ tăng trưởng trên 30% của thị trường ô tô, nhiều ngân hàng đẩy mạnh chương trình cho vay mua ô tô siêu tốc như: các gói vay giải ngân đơn giản chỉ trong 8 giờ, lãi suất 0,75%/tháng, cho vay tới 70 - 90% giá trị xe. Với loại hình bất động sản, nhiều ngân hàng cho vay mua nhà với lãi suất 7,5% trong 6 tháng đầu, thời gian vay 20 năm với số vốn vay tới 90% giá trị căn nhà…

Vậy nên, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đến tháng 9/2015 tăng 31,49% so với cuối năm 31/12/2014 (9 tháng đầu năm 2014 tăng 13,14%) và chiếm tỷ trọng 8,02% so tổng với dư nợ tín dụng toàn hệ thống (9 tháng đầu năm 2014 là 6,31%); trong đó dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống tăng 32,41% so với cuối năm 2014 (chiếm tỷ trọng 96,27% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng), cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng tăng 11,41% so với cuối năm 2014 (chiếm tỷ trọng 3,73%).

Xét về nhu cầu cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, dư nợ cho vay đối với hầu hết các nhu cầu vốn cho vay tiêu dùng đều tăng, trong đó cho vay để mua, sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương tăng ở mức khá cao và chiếm tỷ trọng lớn nhất. Riêng dư nợ cho vay thấu chi qua tài khoản thanh toán của cá nhân giảm.


Vay tiêu dùng ẩn chứa nhiều rủi ro nên lãi suất rất cao (ảnh minh hoạ).

Vay tiêu dùng ẩn chứa nhiều rủi ro nên lãi suất rất cao (ảnh minh hoạ).

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy: Trong những năm qua, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam phát triển khá mạnh, với sự tham gia tích cực của nhiều tổ chức tín dụng, đặc biệt là các công ty tài chính. Dù còn ở mức khiêm tốn nhưng tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng và tỷ trọng tín dụng tiêu dùng so với tổng tín dụng đối với nền kinh tế đều đã tăng đáng kể.

“Thực tế, trong 7 năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình 20%/năm. Về thị phần, dư nợ cho vay tiêu dùng mới chỉ chiếm khoảng 8,02%/tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống cho thấy hoạt động này còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Hơn nữa, cho vay tiêu dùng ở Việt Nam được hưởng lợi từ mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao, dân số trẻ, năng động, nhu cầu tiêu dùng lớn, hệ thống tổ chức tín dụng ngày càng phát triển, đa dạng hóa hoạt động theo hướng hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế, qua đó luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân”, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết.

Rủi ro rình rập, lường trước như thế nào?

Tiềm năng là thế, nhưng theo cảnh báo của giới chuyên gia, việc các ngân hang ồ ạt đẩy mạnh cho vay tiêu dudng, ở đây là bất động sản và mua ô tô sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng nợ xấu. Thậm chí, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, không ngoại trừ việc cán bộ tín dụng hạ chuẩn cho vay để lôi kéo khách hàng.

Theo đánh giá của TS.Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính - ngân hàng), tín dụng tiêu dùng trong một nền kinh tế đang phát triển, dân số đông (đặc biệt là dân số trẻ) là sự phát triển tích cực cho nền kinh tế. “Tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam đang có bước phát triển tốt, nhưng lại ẩn chứa nhiều rủi ro. Bởi chúng ta không có hệ thống chấm điểm tín dụng quốc gia cho cá nhân, mà mỗi ngân hàng có hệ thống chấm điểm riêng. Trung tâm thông tin tín dụng CIC cũng chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin cá nhân, tổ chức, chứ chưa xác định được khả năng hoàn trả của người dân”, ông Hiếu thẳng thắn nhận xét.

Lấy ví dụ ở Mỹ, ông Hiếu cho hay, Mỹ có các công ty chấm điểm chuẩn theo hệ thống chuẩn quốc gia, mỗi người dân khi đi vay ngân hàng đều phải cung cấp dữ liệu để các công ty đó xếp hạng cho vay.  Khung điểm chuẩn từ 400 điểm đến 800 điểm, nếu ai đạt tới mức 800 điểm sẽ rất dễ vay vốn với lãi suất thấp. Do đó, Việt Nam cũng cần có xếp hạng tín dụng cho người dân, qua đó ngân hàng dựa vào để cho vay an toàn.

“Việt Nam chỉ có khoảng 20 - 30% người dân có quan hệ với ngân hàng (thu nhập thông qua ngân hàng) còn lại đại bộ phận dân chúng thu nhập bằng tiền mặt. Đây là điểm rất khó để xác định được khả năng hoàn trả của khách hàng”, TS.Hiếu chỉ ra nguy cơ của việc cho vay tiêu dùng bùng nổ, dễ trở thành nợ xấu. Do đó, vay tiêu dùng thường phải chịu các mức lãi suất cao “cắt cổ”.

Lấy câu chuyện từ những ngân hàng mà ông đã từng làm việc, TS.Hiếu kể: “Có những thực tế thật trớ trêu, người đi vay biến mất, thậm chí đã chết nhưng nợ trên sổ sách của ngân hàng vẫn còn, không làm sao mà xoá được. Nhiều nước trên thế giới, trong những trường hợp này, nợ sẽ được xoá và được ngân hàng công nhận như một thiệt hại. Đó là do họ có luật phá sản cá nhân, ở còn Việt Nam không cho cá nhân phá sản nên nợ vẫn đọng mãi trên sổ sách”.

 

Vì sao lãi suất cho vay tiêu dùng cao?

Theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), Thông tư số 12/2010/TT-NHNN ngày 14/4/2010 của NHNN hướng dẫn TCTD cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng theo lãi suất thỏa thuận, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trong đó có các CTTC) được phép thỏa thuận lãi suất cho vay đối với khách hàng vay trên cơ sở cung cầu vốn, mức độ tín nhiệm của khách hàng, rủi ro, mục đích của khoản vay, chi phí vốn đầu vào...

Đặc thù của loại hình CVTD là có rủi ro và chi phí cao nên theo nguyên tắc kinh tế, để bù đắp rủi ro các TCTD thường áp dụng lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn lãi suất cho vay thông thường. Dưới góc độ đánh giá rủi ro cho vay, đối tượng khách hàng cho vay tiêu dùng chủ yếu là người thu nhập trung bình và thấp, khó xác định chắc chắn tình hình tài chính và thu nhập để đánh giá khả năng trả nợ, xếp hạng tín nhiệm thấp, không có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, vay tín chấp hoặc thế chấp nhưng giá trị tài sản thấp, khấu hao nhanh.

Trong khi đó, chi phí cho vay tiêu dùng lại cao do các chi phí quản lý, vận hành mạng lưới hoạt động cao, nhiều khoản vay nhỏ lẻ, có giá trị thấp, thời hạn cho vay ngắn, thủ tục xét duyệt đơn giản, nhanh chóng, nhiều trường hợp cán bộ tín dụng phải đến tận nơi của khách hàng để làm thủ tục cho vay... vô hình chung làm tăng chi phí quản lý.

Về nguồn vốn, nhiều CTTC cho vay tiêu dùng có chi phí vốn cao do theo quy định tại Luật các TCTD thì CTTC không được huy động từ dân cư, mà chỉ được huy động từ các tổ chức kinh tế, vay vốn nước ngoài, sử dụng vốn chủ sở hữu hoặc vay từ TCTD khác với nguồn vốn chủ yếu là vốn trung - dài hạn có mức lãi suất cao.

Bên cạnh đó, cũng cần phải nói thêm là CVTD chủ yếu là các món vay nhỏ (chỉ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng), thời hạn vay rất ngắn (từ vài ngày đến vài tuần) nên việc trả lãi vài chục nghìn đồng/ngày đến vài trăm nghìn đồng/tuần cũng có thể phản ánh thành mức lãi suất niêm yết rất cao (vài chục phần trăm/năm) so với lãi suất cho vay thông thường, do đó phản ánh không chính xác yêu cầu trả nợ thực sự của khách hàng đối với từng khoản vay cụ thể.

Do đó, theo báo cáo của các TCTD gửi theo quy định tại Thông tư 31/2013/TT-NHNN, đến tháng 9/2015, lãi suất cho vay phục vụ đời sống của các CTTC áp dụng đối với khách hàng phổ biến ở mức 20-35%/năm, cao hơn lãi suất cho vay thông thường. Tuy nhiên, dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 8,02%/tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống).

 

Tỷ trọng cho vay đầu tư kinh doanh BĐS tăng không đáng kể

Dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản (BĐS) liên tục có sự tăng trưởng trong thời gian qua, tuy nhiên xét về tỷ trọng thì tăng không nhiều. Dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh BĐS chủ yếu phục vụ cho nhu cầu thực về nhà ở của người dân.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản liên tục có sự tăng trưởng trong thời gian qua (năm 2012 là 14%, năm 2013 là 14,7%, năm 2014 đạt 15,2%), tuy nhiên xét về tỷ trọng thì tăng không nhiều. Tốc độ tăng trưởng cho vay đầu tư kinh doanh BĐS trong 09 tháng đầu năm 2015 đạt 14,59% (cao hơn khoảng 2,5% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung 9 tháng đầu năm 2015), dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 8,05% tổng dư nợ tín dụng, so với cùng kỳ năm 2014 thì mức tăng không đáng kể (09 tháng đầu năm 2014 tăng trưởng 11,85%, tỷ trọng 7,86%).

Dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản tập trung lớn nhất vào phân khúc xây dựng, sửa chữa, mua nhà, xây dựng đô thị (chiếm trên 60%). Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến ngày 20/9/2015, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 59.395 tỷ đồng (giảm 53,8% so với Quý I/2013).

Như vậy, mặc dù tốc độ tăng trưởng cho vay đầu tư kinh doanh BĐS cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của ngành nhưng dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh BĐS chủ yếu phục vụ cho nhu cầu thực về nhà ở của người dân và chỉ chiếm tỷ trọng 8,05% trong tổng dư nợ toàn hệ thống.

 

Nguyễn Hiền

Vay tiền ngân hàng, chết rồi nợ vẫn đọng trên sổ sách - 2