1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Vay hàng chục tỷ đồng, mỗi tháng trả 2 triệu đồng nhằm thoát tội”

(Dân trí) - Nói về tình trạng chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ của bên đi vay, đại tá Nguyễn Hữu Cầu chia sẻ: “Tôi đã chứng kiến có trường hợp nợ hàng chục tỷ đồng, nhưng để thoát tội, mỗi tháng trả 2 triệu đồng. Tôi ước tính phải 50 năm chưa trả hết gốc, chưa tính đến lãi”.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang băn khoăn không rõ các TCTD sẽ tự xử lý tài sản đảm bảo như thế nào khi ngay cả cơ quan thi hành án còn gặp khó khăn, bị chống đối.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang băn khoăn không rõ các TCTD sẽ tự xử lý tài sản đảm bảo như thế nào khi ngay cả cơ quan thi hành án còn gặp khó khăn, bị chống đối.

Chống đối, tự thiêu… khi bị thu hồi nợ

Nợ xấu và xử lý nợ xấu là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội góp ý kiến thảo luận tại hội trường phiên làm việc hôm nay (7/6/2017).

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) đánh giá, dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc cần được giải quyết để khi ban hành, nghị quyết này đảm bảo được tính khả thi, không ảnh hưởng đến an ninh trật tự, xã hội của đất nước.

Dự thảo nghị quyết cho phép “tổ chức tín dụng (TCTD) thu giữ tài sản đảm bảo khi công có tranh chấp”. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An cho biết, thực tiễn thi hành án dân sự cho thấy việc xử lý tài đảm bảo để thu hồi nợ là quá trình hết sức khó khăn, phức tạp do luôn gặp sự chống đối quyết liệt của người có tài sản và những người liên quan (người sở hữu chung, thừa kế, người thứ 3, người thuê…).

“Có nhiều trường hợp tấn công người thi hành công vụ, tự thiêu… Để xử lý tài sản này, cơ quan thi hành án phải huy động rất nhiều lực lượng từ cấp ủy, chính quyền, viện kiểm sát, công an đến các tổ chức đoàn thể… mới xử lý được. Vậy TCTD xử lý những vấn đề trên như thế nào? Họ phải trực tiếp tổ chức thu giữ, xử lý hay được phép thuê lực lượng khác thu giữ, xử lý?”, bà Trang băn khoăn.

Do đó, vị đại biểu đề nghị Quốc hội nhất thiết phải có một cơ chế hết sức rõ ràng, phù hợp để xử lý những vấn đề này, nhất là đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi thu giữ, xử lý. Nếu không, sẽ không lường hết những hậu quả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, trật tự xã hội.

Hơn nữa, trong trường hợp TCTD thực hiện quyền thu giữ, xử lý tài sản, nếu có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo thì cơ chế giải quyết như thế nào? Bởi theo bà Trang, TCTD cũng chỉ là một bên của hợp đồng dân sự, không có tư cách để giải quyết khiếu nại, tố cáo của bên vay.

“Hay là khởi kiện ra tòa thì lại sinh ra một vòng tố tụng mới; khi đó việc xử lý nợ xấu sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn, mục đích giải quyết nhanh nợ xấu đặt ra không đạt được”, vị đại biểu lo ngại.

Phải dùng “luật rừng”, xã hội đen đòi nợ

Chia sẻ về nội dung này, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Đại tá, Giám đốc công an tỉnh Nghệ An cho biết, từ công tác thực tiễn, nhiều lần xử lý các vụ việc liên quan đến nợ, trong đó có nợ cá nhân và nợ các TCTD, ông thấy “dở khóc, dở cười”.

Đại tá công an, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu cho biết, trong khi chủ nợ xếp hàng dài tại tòa án không biết lúc nào lấy được nợ thì với tín dụng đen, dân xã hội sẽ lấy bằng hết cả gốc lẫn lãi.
Đại tá công an, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu cho biết, trong khi chủ nợ xếp hàng dài tại tòa án không biết lúc nào lấy được nợ thì với tín dụng đen, "dân xã hội" sẽ lấy bằng hết cả gốc lẫn lãi.

Theo đó, người đi vay nợ khi đến với các chủ nợ thì tìm mọi cách, hứa đủ điều, kể cả thế chấp tài sản đảm bảo với mong muốn vay cho được rồi trở về với “tiền tươi, thóc thật”. Nhưng oái oăm, đến hẹn trả nợ lại không chịu trả, không thực hiện cam kết và tìm cách chây ỳ để lách luật.

Còn chủ nợ thì chạy khắp nơi gặp con nợ để “van xin”, đòi mãi không được mới tìm đến công an tố cáo hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm. Công an sau một thời gian kiểm tra xác minh, hướng dẫn quay trở về tòa án giải quyết. Chủ nợ sang tòa án xếp hàng dài mà không biết đến lúc nào mình mới lấy được nợ.

“Tôi đã chứng kiến có trường hợp nợ hàng chục tỷ đồng, nhưng để thoát tội, mỗi tháng trả 2 triệu đồng. Tôi ước tính phải 50 năm chưa trả hết gốc, chưa tính đến lãi”, ông Cầu dẫn chứng.

Trong khi đó, với tình trạng tín dụng đen thì “dân xã hội” sẽ lấy bằng hết cả gốc lẫn lãi không thiếu một xu. Ở đây, các bên dùng “luật rừng” và thuê băng nhóm tội phạm đòi nợ thuê, diễn biến phức tạp và khiến xã hội bất ổn.

“Tiền nhân dạy rằng có 2 cách đấu tranh: Cách thứ nhất là dùng pháp luật; thứ hai là dùng vũ lực. Cách thứ nhất hợp với người, cách thứ hai dùng cho dã thú. Tuy nhiên, trên thực tế, cách thứ nhất vẫn chưa đủ, không hiệu quả nên phải dùng cả cách thứ hai. Tôi mong muốn pháp luật nước ta phải nghiêm minh, hiệu quả để mọi người dân ai cũng dùng cách thứ nhất trong giải quyết các mối quan hệ xã hội”, vị đại tá công an trải lòng.

Vấn đề này cũng được đại biểu, luật sư Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề cập. Ông Nghĩa cho rằng, ngay cả khi kéo ra tòa thì thực tế giữa các bên cũng “không có tranh chấp gì” bởi số nợ không tranh chấp, nghĩa vụ không tranh chấp, chỉ có bên nợ cố tình không giao tài sản như đã cam kết.

“Trong trường hợp này chúng ta cố gắng dùng hệ thống chính trị của chúng ta để hỗ trợ việc thi hành thực hiện đúng hợp đồng”, ông Nghĩa đề nghị.

Đồng thời, vị đại biểu cũng cho rằng, Quốc hội cần ghi rõ trong nghị quyết: giao cho Chính phủ, NHNN và các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành song song và khẩn cấp về xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu. Đặc biệt yêu cầu Chính phủ truy tìm, thu hồi tài sản do tham nhũng, tiêu cực mà có và đang được tẩu tán. Việc này sẽ tạo thêm nguồn lực để xử lý nợ xấu.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm