Vây cá mập hết thời
Từng là một món quan trọng không thể thiếu trong các bữa tiệc chiêu đãi trọng thể nhưng hiện nay món súp vây cá mập đã vắng bóng ở khắp Trung Quốc do chính sách chống lãng phí của ban lãnh đạo mới tại Bắc Kinh.
Một lệnh cấm được áp dụng đối với các buổi tiệc của nhà nước đã làm cho thị trường tiêu thụ món đặc sản truyền thống và đầy tranh cãi này sụt giảm mạnh đồng thời tiếp thêm động lực cho những người đang tìm cách loại bỏ hẳn chúng ra khỏi tất cả các nhà hàng, khách sạn ở Trung Quốc.
Một con cá mập đang bị cắt vây lưng. |
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * Thanh Hóa: Bức xúc vì tiền hỗ trợ của Việt kiều bị cán bộ chặn * Lở đất kinh hoàng tại Afghanistan, 2.700 người chết * Doanh nghiệp bán hàng đa cấp cũng phải nộp Báo cáo tài chính |
Nhiều người chỉ trích quyết định của chính phủ là không khả thi. Họ thắc mắc tại sao phải cần đến 3 năm mới hoàn toàn được thực hiện và kêu gọi những nỗ lực lớn hơn nữa trong đấu tranh chống lãng phí. Đến tháng 12/2013, khi Trung Quốc bắt đầu chiến dịch quy mô lớn chống tham nhũng và đặc quyền đặc lợi thì lệnh cấm nói trên nhanh chóng được áp dụng.
Nhưng ngay cả trước khi có lệnh cấm, quan điểm cứng rắn của ban lãnh đạo mới đối với sự xa hoa lãng phí đã có một hiệu ứng rõ rệt đối với việc tiêu thụ sản phẩm này. Tháng 2/2013, tức chỉ sau 3 tháng kể từ khi ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng bí thư, Bộ Thương mại Trung Quốc đã tự hào thông báo rằng trong thời gian hai tuần nghỉ Tết Nguyên đán, lượng tiêu thụ súp vây cá mập trong các nhà hàng, khách sạn ở Bắc Kinh giảm 70% trong khi các loại đặc sản khác như bào ngư và tổ yến thì giảm khoảng 40%.
Bất chấp những dấu hiệu lạc quan đó, việc loại bỏ hoàn toàn món ăn truyền thống lâu đời và ăn sâu vào tiềm thức người Trung Quốc này vẫn gặp nhiều khó khăn dù cho vây cá mập vẫn là bí hiểm và thậm chí nhiều thực khách còn chẳng hiểu biết gì về nó.
Món ăn xa lạ
Từ nhiều thế kỷ, súp vây cá mập là món đặc biệt chỉ có trong các buổi tiệc tùng sang trọng của giới quý tộc, giàu có nhằm thể hiện đẳng cấp và quyền lực. Món súp thường có thêm nước xuýt và nước sốt rất cầu kỳ, còn vây cá mập thì được chính các “thượng đế” miêu tả là hầu như không mùi vị, nhai có cảm giác giống như món mì gạo. Liu Haiping, một giáo sư người Quảng Đông kể lại: “Tôi từng được ăn món này tại một đám cưới. Tất cả mọi người trong bàn tiệc đều hỏi nhau rằng ‘Tại sao một món đắt như vậy mà ăn có cảm giác chẳng giống món gì cả?’. Rồi một người trong bàn trả lời: Vây cá mập xịn rất đắt và hiếm như vậy thì chắc phải có những lí do của nó. Vì vậy chúng ta cứ chén đi thôi”.
Món súp vây cá mập tại Trung Quốc. |
Ngoài tác động mạnh nhất đối với việc giảm tiêu thụ súp vây cá mập là lệnh cấm của chính phủ, còn có một số nhân tố khác dẫn đến việc ngày càng nhiều người từ bỏ món “quý tộc” này. Những năm gần đây, các tổ chức bảo vệ môi trường cả trong và ngoài Trung Quốc đã phát động nhiều chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguy cơ đối với nhiều loài cá mập bị giết hại chỉ để lấy vây.
An toàn thực phẩm
Tiếng tăm của món vây cá mập cũng bị giảm đi nhiều do những bê bối về vấn đề an toàn thực phẩm. Tháng 1/2013, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đã chiếu một đoạn phim được quay bí mật về món vây cá mập giả tiêu thụ trong các nhà hàng ở khắp nước này.
Những tháng sau đó, các nhà điều tra đã công bố báo cáo về việc các cửa hiệu, nhà hàng kinh doanh món “vây cá mập” được làm bởi nhiều loại nguyên liệu khác nhau từ sợi thủy tinh đến các loại hạt đậu. Đồng thời, các kết quả thí nghiệm đối với vây cá mập “xịn” cho thấy chúng chứa hàm lượng thủy ngân cao và những kim loại nặng nguy hiểm khác. Tất cả những thông tin tiêu cực đó đã buộc những người kinh doanh mặt hàng này phải điều chỉnh theo sự thay đổi nhanh chóng của thị trường.
Tại cửa hàng chuyên kinh doanh súp vây cá mập Yupin ở Bắc Kinh, loại vây cắt từ hai bên thân cá mập là 1.400 tệ/kg (230 USD) trong khi loại vây cắt từ trên lưng có thương hiệu là 5.200 tệ/kg (840 USD) và loại này chủ yếu bán cho các khách sạn sang trọng. Dù Yupin mới chỉ hoạt động hơn ba năm nhưng chỉ sau vài tháng kể từ ngày khai trương, ông chủ Chen Zhibin đã bắt đầu cảm nhận được sự suy giảm của thị trường vây cá mập. “Lượng tiêu thụ hiện chỉ bằng một nửa thời gian ban đầu”, ông Chen nói.
Các địa phương khác ở Trung Quốc thậm chí còn bị tác động mạnh hơn. Như ở Quảng Châu, một trung tâm kinh doanh vây cá mập của Trung Quốc, doanh số bán hàng đầu năm nay giảm tới 80% so với cùng kỳ năm ngoái và giá cũng giảm gần 40%. Những người kinh doanh mặt hàng này cho rằng những lo lắng về vệ sinh an toàn sẽ tiếp tục làm cho việc tiêu thụ giảm và họ nhìn thấy rất ít cơ hội để thị trường có thể phục hồi. Tiểu thương tên Yang ở chợ hải sản Jingsen, Bắc Kinh nói: “Nhận thức về vấn đề môi trường của người dân Trung Quốc ngày càng tăng. Họ bắt đầu nhận thấy ảnh hưởng của việc săn bắt cá mập đối với cân bằng sinh thái ở các đại dương nên họ bắt đầu tiêu thụ ngày càng ít đi”.
Bỏ khỏi thực đơn
Trong khi các khách sạn, nhà hàng sang trọng vẫn sẵn sàng phục vụ món cao cấp này thì số lượng nhà hàng từ chối phục vụ súp vây cá mập cũng bắt đầu tăng lên. Theo khảo sát của tổ chức môi trường Green Beagle, năm 2011, chỉ có 1 trong tổng số 131 khách sạn được gắn danh hiệu về môi trường là khách sạn Xanh ở Bắc Kinh không có món này. Chỉ một năm sau, đã có thêm 11 khách sạn nữa đã loại súp vây cá mập ra khỏi thực đơn.
Năm ngoái, một nghiên cứu của trường Đại học Tự nhiên cho thấy gần 25% các nhà hàng cao cấp ở Bắc Kinh không còn phục vụ món này và con số thống kê tương tự tại Thượng Hải là 24% và tại Thâm Quyến là 22%.
Nhưng dù cho rất nhiều người Trung Quốc được khuyên từ bỏ sử dụng vây cá mập thì cũng không có nghĩa nó sẽ báo hiệu một sự chấm dứt đối với việc tiêu thụ món đặc sản truyền thống chủ yếu dành riêng cho một nhóm người trong xã hội. Như một người kinh doanh ở Quảng Đông nói: “Công việc kinh doanh của chúng tôi chỉ nhắm vào 1% dân số. Chỉ cần phục vụ cho số này cũng có thể đủ cho việc kinh doanh sản phẩm này của chúng tôi”.
Như vậy, dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong cả nhận thức lẫn hành động cụ thể của người dân đối với việc tiêu thụ vây cá mập nhưng chính quyền và các tổ chức bảo vệ môi trường của Trung Quốc vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hạn chế tiến tới cấm triệt để việc kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm từ loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng này.