Vào WTO, thủ tục hải quan phải thông thoáng hơn

Vào WTO, hàng đầu tư sẽ vào Việt Nam nhiều hơn. Làm thế nào để cải tiến thủ tục hải quan nhanh hơn, thông thoáng hơn?

Ông Trần Hai Tôn - chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư (Cục Hải quan TPHCM) - đã gợi ý như vậy tại hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hôm qua, 25/11.

Khai báo thủ tục từ xa

Ông Trần Hai Tôn cho biết hiện có 1.700 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, mỗi ngày mở từ 1.000 - 1.200 tờ khai hải quan xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa. Để tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng  việc làm thủ tục hải quan, Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư đã triển khai nhiều biện pháp cải tiến nghiệp vụ như trang bị hệ thống xếp hàng tự động, sắp xếp và điều chỉnh lại hệ thống mặt bằng làm việc tại chi cục, rút ngắn thời gian thông quan một lô hàng mà vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý chặt chẽ.

“Khai báo hải quan điện tử có nhanh hơn không, công ty chúng tôi muốn tham gia thì phải làm gì?” - đại diện Công ty liên doanh Lạc Kỷ hỏi. Chi cục phó Vương Thanh Liêm cho biết hiện đang thí điểm chương trình quản lý hàng hóa XNK mới, từ khâu quản lý của doanh nghiệp đến khâu thanh khoản. Chương trình mới này cho phép doanh nghiệp có thể khai báo từ xa tương tự như hải quan điện tử, nhưng có khác là doanh nghiệp có thể khai báo tại đơn vị, rồi truyền đến cho hải quan.

Hải quan mở tờ khai, kiểm tra nội dung tờ khai. Sau khi kiểm tra nếu không có vấn đề gì thì hải quan chấp nhận đăng ký, thay vì doanh nghiệp phải ôm hồ sơ đến hải quan chạy lòng vòng qua nhiều khâu... Qui trình này nhanh hơn trước rất nhiều.

Nhiều đại diện doanh nghiệp nước ngoài cùng đặt vấn đề về những rắc rối khi kế hoạch XNK hằng năm của doanh nghiệp phải được Bộ Thương mại (BTM) phê duyệt. Chi cục phó Phạm Quốc Hùng khẳng định qui định này đã được bãi bỏ, “doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với hải quan mà không cần xin giấy phép của BTM”.

Riêng sản phẩm nguyên chiếc nhập về bán để thăm dò thị trường thì BTM vẫn cấp phép. Chi cục đã báo cáo về việc này và hiện đang chờ câu trả lời của Tổng cục Hải quan (TCHQ).

Một doanh nghiệp chuyên nhập phế liệu ở Đồng Nai cho biết lâu nay khi nhập phế liệu phải qua xác nhận của Sở Tài nguyên - môi trường, mất thời gian không dưới 10 ngày, tốn kém nhiều loại chi phí lưu kho, bến bãi... Hải quan có thể giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian này?

Ông Hùng cho rằng đây cũng là bức xúc của nhiều doanh nghiệp khác. Hải quan sẽ cùng doanh nghiệp kiến nghị với Bộ Tài nguyên - môi trường để sớm tháo gỡ rào cản này cho doanh nghiệp.

Cần tiếp tục tháo gỡ ách tắc!

Bà Lý Ngọc Trân, trưởng phòng XNK Công ty TNHH P&G Việt Nam, thắc mắc: không hiểu sao lãnh đạo chi cục thường có những cuộc họp từ 13-15g, trong khi đây là lúc doanh nghiệp đang cần lấy tờ khai. Có tờ khai nhưng phải chờ vì các anh đang bận họp. Chi cục trưởng Trần Hai Tôn ghi nhận điều này và cho biết sẽ khắc phục ngay trong thời gian tới.

“Những trục trặc của hệ thống mạng bị “treo” có phải do quá tải, làm ảnh hưởng cho doanh nghiệp, tại sao chậm khắc phục?” - ông Hoàng Lợi (Công ty BP Petco) hỏi. Ông Trần Hai Tôn thừa nhận đây là chương trình quản lý của TCHQ nhưng “khi TCHQ vào sửa thì chạy tốt, khi về lại hư”.

Đại diện một doanh nghiệp cho rằng việc không cho doanh nghiệp cầm tờ khai đi đến các khâu của qui trình làm thủ tục hải quan, mà giao hết cho công chức hải quan thực hiện đã gây khó cho doanh nghiệp. Nhiều lô hàng phải để đến ngày hôm sau. Doanh nghiệp này đề nghị vẫn để doanh nghiệp cầm tờ khai đi các “cửa” như trước đây.

Chi cục phó Vương Thanh Liêm cho rằng đề nghị của doanh nghiệp... hơi khó, vì đây là qui định chung của TCHQ. Doanh nghiệp cầm tờ khai nếu rủi ro làm mất thì công chức hải quan phải chịu trách nhiệm. “Ở đây, chúng tôi phải cố gắng tăng cường công chức làm việc để không gây ách tắc tờ khai của doanh nghiệp” - ông Liêm cho biết.

Theo V.H.Quỳnh
Báo Tuổi trẻ