Vàng - USD và tâm lý đầu cơ

Liên tiếp trong những ngày qua, giá vàng và USD ngoài thị trường leo thang. Trên thực tế, việc tăng giá này mang lại lợi ích cục bộ cho một số người mua đi - bán lại, nhưng lại tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Câu hỏi đặt ra là liệu có phải vàng và USD tăng giá có một phần tác động của tâm lý tích trữ đầu cơ?

Vàng - USD và tâm lý đầu cơ  - 1
Giá USD tăng có một phần tác động của tâm lý tích trữ đầu cơ (ảnh minh hoạ).

Nhìn lại thị trường vàng - USD

Ngay sau khi NHNN tăng tỉ giá USD, giá vàng và USD ngoài thị trường đồng loạt tăng vọt và tăng theo ngày - thậm chí là tăng theo giờ. Cuối tuần qua, cả giá USD và giá vàng đều lập kỷ lục.

Cụ thể giá vàng lên đến hơn 38 triệu đồng/lượng thì giá USD có lúc lên đến hơn 22.380đ/USD. Điều này thực tế xem ra là phù hợp với quy luật bởi ai cũng cho rằng đồng nội tệ đang có vấn đề và việc mua vàng, mua USD là an toàn, thậm chí là có thể mang lại lợi nhuận.

Tuy nhiên không ít chuyên gia kinh tế lại có góc nhìn khác. Trên thực tế, NHNN cho đến giờ phút này vẫn khẳng định có đủ nguồn cung ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu thanh khoản USD. Các NH thương mại cũng vẫn có những cam kết đảm vảo nguồn cung về loại tiền tệ này. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao giá USD vẫn tăng? Không ít chuyên gia kinh tế cho rằng việc điều chỉnh tỉ giá được cho là khá nhạy cảm và tác động đến tâm lý tích trữ và đầu cơ.

Các chuyên gia chỉ ra rằng tâm lỹ găm giữ USD đã tác động không nhỏ đến một bộ phận người dân. Chính vì thế mà tại các điểm thu đổi ngoại tệ, hiện tượng người dân đổ xô đi mua USD đã tại nên một hiệu ứng. Hiệu ứng này dù chưa thực sự mạnh, nhưng ít nhiều đã tác động đến thị trường.

Bên cạnh đó, một con số khác biểu lộ tấm lý này là việc cho đến nay số ngoại tệ được các NH huy động đã tăng lên khoảng 4,43%, trong khi lượng tiền động huy động được lại giảm khoảng 4,12%. Đây chính là xu hướng dịch chuyển gửi tiền VND sang USD mà tác động chính vẫn là do tâm lý găm giữ.

Tương tự đối với mặt hàng vàng, dù không có thống kê đầy đủ nhưng theo các DN kinh doanh vàng thì hiện nay lượng vàng dân tích trữ có thể đã lên tới vài trăm tấn. Câu hỏi là vì sao có hiện tượng này?

Thậm chí điều đó xảy ra ngay cả khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới và thị trường không hề có dấu hiệu khan hiếm? Các chuyên gia cho rằng việc giá vàng cũng như thị trường vàng sôi động như thời gian qua vẫn là do tác động tâm lý găm giữ vàng như một thứ hàng hóa tích trữ an toàn.

Các chuyên gia cũng khẳng định trên thực tế, rất nhiều người không hề có nhu cầu về vàng hay USD nhưng lại vẫn găm giữ với số lượng lớn. Đây chính là điểm bất ổn của thị trường khi mà tâm lý này cứ bị tác động số đông và đẩy thị trường diễn biến bất thường, không theo quy luật.

Nếu lấy con số vài trăm tấn vàng được tích trữ trong dân, hàng trăm tấn vàng khác đang trong vòng xoáy giao dịch thì đủ thấy đã có một lượng USD lớn đến mức nào bị chảy ra nước ngoài. Các chuyên gia cho rằng tâm lý tích trữ, găm giữ vàng và USD đã đẩy thị trường vào những diễn biến bất lợi không đáng có.

Cần những biện pháp bình ổn

Cho đến nay, nhiều chuyên gia và người dân đã cảm nhận được sự quan ngại nếu giá vàng và USD cứ bị rơi vào vòng xoáy tăng - giảm giá một cách bất thường. Trên thực tế, việc tăng giảm giá này đã mang lại lợi ích cục bộ cho một số người do ăn chênh lệch giá. Thế nhưng nó lại không có lợi đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là muốn thiết lập lại trật tự này thì rất cần những biện pháp cả vĩ mô và vi mô. Các chuyên gia cho rằng cùng với việc tuyên bố đảm bảo nguồn cung USD, NHNN cần có những biện pháp đi kèm như đảm bảo nguồn cung USD đối với nguồn cung của các DN kinh doanh và cung cấp các mặt hàng thiết yếu - trong đó có xăng dầu.

Bên cạnh đó, chính sách điều chỉnh linh hoạt đối với lãi suất - trong đó có lãi suất USD cũng là vấn đề cần tính toán. Có ý kiến cho rằng việc cần tính toán điều chỉnh lãi suất theo xu hướng giảm sẽ tạo điều kiện để DN tiếp cận nguồn vốn, bên cạnh đó cũng giảm thiểu áp lực chạy đua giữa các NH, đồng thời giảm áp lực và tâm lý găm giữ tiền, vàng, USD để gửi tiết kiệm thay cho những tính toán đầu tư, kinh doanh mang lại sản phẩm cho xã hội.

Tương tự đối với mặt hàng vàng, việc cấp hạn ngạch NK vàng cũng cần xem xét. Bởi việc NK càng nhiều vàng cũng có nghĩa là càng mất đi một lượng ngoại tệ tương ứng. Trong khi đó, bản thân mặt hàng này lại không thể tự sinh lời hay đầu tư để sinh lời.

Chính vì thế, việc có công cụ và chính sách linh hoạt để chống tâm lý găm giữ, đầu cơ hoặc lo ngại cũng là biện pháp để hạn chế NK vàng. Một trong những chính sách này là tạo sự liên thông với thị trường quốc tế để giá vàng cân bằng, tránh tăng giảm cục bộ.

Bên cạnh đó thay vì phải NK vàng thương phẩm, biện pháp kinh doanh tài khoản vàng cũng là một phương thức hạn chế phải bỏ ra lượng USD để trực tiếp NK vàng. Một biện pháp khác là phải quản lý chặt và lành mạnh hóa thị trường này để tráng tâm lý “vàng hóa” như một kiểu tích trữ, giao dịch bằng vàng đang có dấu hiệu phổ biến hiện nay.

Đặc biệt, việc khai thông nguồn lực vàng đang tích trữ rất lớn trong dân cũng là một biện pháp. Điều này cho phép khả năng cân đối cung cầu vàng, tránh những tác động đan xen giữa vàng và USD, đồng thời còn huy động được nguồn lực tài chính cho đầu tư sản xuất, kinh doanh...

Vẫn biết điều này không thể ngày một, ngày hai có thể làm được, song các chuyên gia kinh tế khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, không nên quá “say” với vàng và USD, bởi tâm lý đám đông này có thể bị lợi dụng và bị trục lợi bởi những tổ chức, cá nhân đầu cơ thấp mua - cao bán. Bên cạnh đó, việc thận trọng sẽ tránh được những hệ lụy không đáng có rất có thể xảy ra khi thị trường vàng, USD được cân bằng và giá giảm.

Theo Đức Long - Thế Hải
Báo Lao động