Vàng SBJ cập nhật lúc 15h25 giao dịch ở mức 44,51 - 45,49 triệu đồng/lượng, tăng 900 nghìn đồng/lượng so với lần cập nhật trước đó. Như vậy, chỉ trong chưa đầy 2 tiếng đồng hồ giao dịch buổi chiều,
giá vàng SBJ đã tăng 1,5 triệu đồng mỗi lượng.
Vàng Bảo Tín Minh Châu cũng niêm yết ở mức 44,5 - 45,8 triệu đồng/lượng. Vàng SJC tại TPHCM cũng giao dịch ở mức 44,9 - 45,5 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay mở cửa thị trường châu Âu giao dịch ở mức 1.597 USD/ounce. Với mức giá này, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới (tính theo tỷ giá ngân hàng) bị đẩy lên 5,3 triệu đồng/lượng. Còn theo tỷ giá trên thị trường tự do là 5 triệu đồng/lượng.
------
Lúc 14h50, đại diện SJC Hà Nội đã không công bố mức giá cụ thể qua điện thoại mà chỉ công bố mức giá khi giao dịch trực tiếp tại quầy.
Vàng Bảo Tín Minh Châu công bố mức giá ở mức 43,1 - 44,5 triệu đồng/lượng. SBJ tăng lên 43,51 - 44,59 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng thế giới hiện giao dịch ở mức 1.593 USD/ounce. Với mức giá này, giá vàng quy đổi theo tỷ giá ngân hàng hiện đang ở mức 40 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng trong nước bán ra vẫn đứng cao hơn giá thế giới đến 4,5 triệu đồng/lượng.
Trước đó, lúc
13h57,
giá vàng SJC điều chỉnh giảm tiếp về mức 42 triệu đồng/lượng (mua vào) và 42,8 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 3,85 triệu đồng/lượng so với chốt phiên cuối tuần trước. Chênh lệch mua bán cũng kéo lên tới 800.000 đồng/lượng.
Tại Phú Quý, giá vàng SJC mua vào – bán ra ở mức 42,8 – 44,1 triệu đồng/lượng, chênh lệch lên đến 1,3 triệu đồng/lượng.
Vàng SBJ cập nhật lúc 14h20 vẫn đứng khá cao khi bán ra ở mức 43,99 triệu đồng/lượng, trong khi mua vào ở mức 42,81 triệu đồng/lượng, chênh lệch gần 1,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng đang biến động quá mạnh, chỉ trong một buổi sáng, giá vàng đã bốc hơi hơn 2 triệu đồng/lượng. Nhiều cửa hàng vàng đã không niêm yết giá cập nhật và công bố giá qua điện thoại. Thậm chí website của SJC cũng trong tình trạng “không cập nhật”.
---
Giá vàng trong nước đến trưa nay tiếp tục giảm xuống ngưỡng 44 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới rơi mạnh về ngưỡng 1.600 USD/ounce. Cụ thể, lúc 11h30, giá vàng SBJ niêm yết ở mức 43,71 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,39 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm tiếp 600 nghìn đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng SJC cũng giao dịch ở mức 43,8 – 44,2 triệu đồng/lượng, giảm 700 nghìn đồng/lượng so với thời điểm cập nhật lúc 9h10. Tính chung so với chốt phiên tuần trước, giá vàng SJC đã giảm đến 2,45 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay đang lao dốc mạnh, giảm hơn 47 USD so với cuối tuần trước, về mức 1.609 USD/ounce. Với mức giá này, theo tỷ giá ngân hàng thì giá vàng thế giới quy đổi sau khi trừ chi phí và thuế chỉ khoảng 40 triệu đồng/lượng.
----
Lúc 9h15, giá vàng thế giới tiếp tục giảm thêm 8 USD xuống 1.640 USD/ounce, tức giảm 16 USD/ounce so với chốt phiên cuối tuần trước. Trong khi đó, giá vàng trong nước giảm chậm hơn khi điều chỉnh giảm 100.000 đồng/lượng.
Cụ thể, SJC điều chỉnh giá mua vào và bán ra xuống 44,5 - 44,9 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với mức giá trước đó. Trong khi đó, SBJ giảm xuống 44,21 - 44,99 triệu đồng/lượng. Với mức giá này, giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới đến 3,7 triệu đồng/lượng nếu tính quy đổi theo tỷ giá ngân hàng.
Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, trên 3,5 triệu đồng/lượng.
Lúc 8h50, giá vàng SJC niêm yết mua vào ở mức 44,6 triệu đồng/lượng, trong khi đó bán ra ở mức 45 triệu đồng/lượng, giảm 1,65 triệu đồng/lượng so với chốt phiên cuối tuần trước. Mức chênh lệch giữa giá mua và bán được đẩy lên 400.000 đồng/lượng.
Vàng SBJ của Sacombank – SBJ hiện cũng giao dịch ở mức 44,51 – 45,09 triệu đồng/lượng, khiến chênh lệch giá mua bán đẩy lên 580.000 đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay tại châu Á vẫn tiếp tục rơi mạnh khỏi ngưỡng 1.700 USD/ounce. Lúc 8h40, giá vàng thế giới hiện giao dịch ở mức 1.648,4 USD/ounce, giảm 8,8 USD so với chốt phiên cuối tuần trước. Đầu phiên có lúc giá vàng rơi về mức 1.629 USD/ounce.
Với mức giá này, nếu lấy tỷ giá ngân hàng quy đổi thì chênh lệch giữa vàng trong nước và vàng thế giới hiện ở mức 3,8 triệu đồng/lượng, chưa kể thuế và các chi phí khác. Trong khi đó, theo tỷ giá trên thị trường tự do thì mức chênh lệch cũng xấp xỉ 3,5 triệu đồng/lượng.
Trước đó, trong 2 ngày nghỉ cuối tuần, giá vàng thế giới biến động mạnh, trong khi giá vàng trong nước vẫn ở mức cao khiến mức chênh lệch có lúc lên tới 4 triệu đồng/lượng.
Tuy vậy, theo các cửa hàng kinh doanh vàng, do giá giảm đáng kể nên lượng khách đến mua khá đông. Có nơi còn tái diễn cảnh xếp hàng chờ vàng mặc dù rủi ro do chênh lệch cao là khá lớn.
Trong phiên cuối tuần qua, giá vàng đã có một phiên rơi tự do khi để mất hơn 6% do hoạt động bán tháo và đồng USD mạnh lên.
Chốt phiên ngày 24/9, giá vàng giao kỳ hạn tháng 12 giảm 101 USD, tương đương mất 6%, xuống 1.640 USD/ounce. Vàng giao ngay cũng chốt tuần đứng ở mức 1.643 USD/ounce, giảm 9% so với cuối tuần trước đó. Trong phiên giá vàng biến động mạnh với biên độ 126 USD khi giao động trong khoảng 1.754,71 – 16.28,69 USD/ounce.
Như vậy, giá vàng giao ngay đã giảm 14% so với mức kỷ lục 1.920,3 USD/ounce, tuy vậy, trong năm nay vàng vẫn tăng hơn 17%.
Thị trường vàng chao đảo sau khi tập đoàn CME tiếp tục nâng tỷ lệ ký quỹ đối với vàng giao kỳ hạn trên sàn Comex lên 21%. Trước đó, giá vàng đã liên tục thoái lui khi hoạt động bán ra chốt lời nhằm bù lỗ cho các thị trường hàng hóa khác diễn ra mạnh mẽ.
Các nhà phân tích e ngại, giá vàng sau khi xuyên thủng mức hỗ trợ 1.700 USD/ounce, sẽ rơi xuống 1.500 USD.
Nhật Linh