1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Vàng miếng SJC neo cao tại 80 triệu đồng/lượng

Nhật Quang

(Dân trí) - Mở phiên đầu tuần, vàng miếng SJC được niêm yết tại 78-80 triệu đồng/lượng (mua - bán), giá bán ra cao hơn vàng nhẫn 2,9 triệu đồng. Trước đó, có khi giá vàng nhẫn đã vượt vàng miếng.

Mở phiên ngày 22/7, các doanh nghiệp lớn niêm yết giá vàng miếng SJC tại 78-80 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với kết phiên tuần trước. Chênh lệch giữa 2 chiều mua - bán là 2 triệu đồng.

Giá vàng miếng bắt đầu được điều chỉnh từ phiên ngày 18/7, sau 1,5 tháng bất động. Theo đó, mỗi lượng vàng miếng tăng 2,52 triệu đồng ở chiều mua vào và tăng 3,02 triệu đồng ở chiều bán ra. 

Vàng nhẫn được giao dịch tại 75,7-77,1 triệu đồng/lượng (mua - bán), giữ nguyên so với phiên giao dịch cuối tuần trước.

Trong tuần qua, có thời điểm vàng nhẫn lập kỷ lục tại mốc 77,6 triệu đồng ở chiều bán ra, thậm chí cao hơn giá vàng miếng SJC.

Tại Bảo Tín Mạnh Hải, giá vàng miếng được niêm yết ở 78,8-80 triệu đồng/lượng (mua - bán), còn giá vàng nhẫn là 75,88-77,38 triệu đồng/lượng (mua - bán). 

Trên thị trường quốc tế, giá vàng sáng nay lấy lại mốc kháng cự trên 2.400 USD/ounce. Cụ thể, giá kim loại quý ghi nhận tại 2.410 USD/ounce, tăng 12 USD so với trước đó. Trong tuần trước, vàng thế giới lập kỷ lục 2.483 USD/ounce vào ngày 17/7, mức cao nhất từ trước đến nay.

Quy đổi theo tỷ giá chưa bao gồm thuế, phí, giá vàng quốc tế thấp hơn giá vàng miếng khoảng 6-6,5 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn là 3,2-3,5 triệu đồng/lượng, tùy thời điểm.

Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế hiện nới rộng hơn so với thời điểm trước ngày 18/7. Trước đó, giá vàng miếng SJC chỉ cao hơn thế giới khoảng 1-2 triệu đồng/lượng.

Vàng miếng SJC neo cao tại 80 triệu đồng/lượng - 1

Một số sản phẩm vàng của doanh nghiệp (Ảnh: Bảo Tín Mạnh Hải).

Giá vàng thế giới có xu hướng phục hồi sau khi giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối của tuần trước. 

Các chuyên gia dự báo thị trường vàng có thể sẽ ổn định vào đầu tuần và sẽ chứng kiến biến động sau báo cáo lạm phát vào cuối tuần này. Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng báo cáo chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi của tháng 6 có thể sẽ không tạo ra biến động lớn về giá.  

Trong tuần trước, giới chuyên gia đánh giá các nhà đầu tư kim loại quý đã đi trên một chuyến tàu lượn siêu tốc với tâm lý lạc quan bao trùm thị trường.

Các nhà đầu tư kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ được tiến hành tại cuộc họp tháng 9 ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, áp lực chốt lời sau đợt tăng "phi mã" đã đẩy vàng mất mốc kháng cự 2.400 USD/ounce.

Dự báo giá vàng tuần này, Chủ tịch Adrian Day, của Adrian Day Asset Management cho rằng giá vàng sẽ không thay đổi. Kim loại quý này sẽ cần phải củng cố trước khi tăng trở lại, vị chuyên gia nhận định.

Mặc dù vậy, ông cũng lưu ý rằng, vàng có thể tăng bất cứ lúc nào nếu có thêm các thông tin củng cố khả năng xoay trục chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường nhận thấy có hơn 90% khả năng cắt giảm lãi suất vào cuối mùa hè.

Giá USD ngân hàng và tự do cùng tăng

Trên thị trường quốc tế, USD-Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - giảm mạnh về 104,2 điểm, giảm 0,16% so với trước đó.

Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm tại 24.261 đồng, tăng 15 đồng so với trước đó. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng được phép mua bán USD trong vùng giá từ 23.048-25.474 đồng.

Ngân hàng lớn mua bán USD tại 25.144-25.474 đồng, tăng 15 đồng ở chiều bán ra, chạm mức trần quy định. Ngân hàng cổ phần cho phép giao dịch USD tại 25.144-25.474 đồng.

Các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do giao dịch quanh 25.670-25.750 đồng/USD (mua - bán), tăng 135 đồng ở cả chiều mua và bán so với trước đó.