Vàng giảm mạnh, chênh lệch cao ngất ngưởng

(Dân trí) - Sáng nay 13/5, giá vàng miếng trong nước điều chỉnh giảm khá mạnh so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước khi giá vàng trên thị trường châu Á “mất” hơn 16 USD/ounce. Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch giữa hai thị trường lại bị đẩy lên trên 5 triệu đồng/lượng.

Vàng vẫn hấp dẫn giới đầu tư (ảnh minh hoạ).
Vàng vẫn hấp dẫn giới đầu tư (ảnh minh hoạ).

 

Lúc 9h30 sáng nay 13/5, giá vàng SJC tại Hà Nội được Công ty CP SJC Hà Nội niêm yết 41,25 triệu đồng/lượng (mua vào) - 41,37 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm mỗi chiều trên 200.000 đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước.

 

Cũng tại Hà Nội, giá vàng SJC qua niêm yết giao dịch của Công ty CP Đầu tư Vàng Phú Quý ở mức 41,11 triệu đồng/lượng - 41,31 triệu đồng/lượng, giảm mỗi chiều 250.000 đồng/lượng và 150.000 đồng/lượng so với chốt phiên chiều qua.

 

Tại TPHCM, lúc 8h30 sáng nay, giá vàng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết ở mức 41 triệu đồng/lượng - 41,3 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 nghìn đồng so với cuối tuần trước. Tuy nhiên, đến 9h30, giá vàng tại đây đã đảo chiều tăng lên 41,17 triệu đồng/lượng - 41,37 triệu đồng/lượng.

 

Với các mức điều chỉnh trên, giá vàng trong nước lại nới rộng khoảng cách so với thế giới lên 5,2 triệu đồng/lượng. Tuần trước, có thời điểm khoảng cách chênh lệch giữa hai thị trường đã được thu về mức 4 triệu đồng/lượng.

 

Tuy nhiên, thị trường vàng trong nước tuần qua ghi nhận một tuần giảm giá với sự biến thiên lúc thuận lúc nghịch với xu hướng của thị trường vàng thế giới.

 

Cuối tuần qua, cùng với lực tăng của vàng thế giới, giá vàng trong nước đã có mức tăng nhẹ so với cuối tuần trước, niêm yết giao dịch đầu ngày tại 42,1 triệu đồng/lượng - 42,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tuy nhiên, sự đồng thuận này không duy trì được lâu bởi ngay sau giờ mở cửa tuần, giá vàng “nội” từ từ đi xuống bất chấp vàng “ngoại” vẫn đang dao động trong biên độ hẹp tại mức 1.472 USD - 1.476 USD/ounce, giá vàng trong nước chính thức rời ngưỡng 42 triệu đồng/lượng - ngưỡng giá được duy trì suốt 2 tuần qua.

 

Nói về nguyên nhân của việc sụt giảm này, theo ý kiến của các chuyên gia trong nước, bên cạnh sự tác động phần nào từ thị trường vàng thế giới, áp lực giảm giá còn đến từ một số nguyên nhân khác như diễn biến tỉ giá ngoại tệ trên thị trường và nhu cầu vàng của các ngân hàng giảm.

 

Theo quy định, các ngân hàng phải tất toán xong trạng thái vàng với hạn chót vào ngày 30/6 tới đây. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi còn 3 tuần nữa mới đến thời hạn, một số ngân hàng đã tuyên bố không còn bị âm trạng thái hoặc đã tất toán gần xong.

 

Trong một diễn biến khác, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức 3 phiên đấu thầu vàng miếng. Tổng khối lượng chào bán trong 3 phiên là 78.000 lượng vàng (mỗi phiên chào bán 26.000 lượng), trong đó tổng khối lượng vàng được các đơn vị mua là 69.000 lượng.

 

Trở lại với diễn biến giá trên thị trường vàng sáng nay, giá vàng trong nước hiện được hầu hết các doanh nghiệp điều chỉnh theo tín hiệu trên thị trường thế giới. Theo Kitco.com, giá vàng giao ngay tại châu Á đang có biên độ giảm hơn 16 USD, giao dịch ở mức 1.432 USD/ounce.

 

Giá vàng tại châu Á giảm mạnh do các quỹ đầu tư tăng cường bán ra và giá USD đang mạnh lên. Hiện tại, ượng vàng nắm giữ của SPDR Gold Trust giảm xuống còn 1.051,65 tấn vào ngày 10/5, sau khi tăng ngày trước đó, tăng lần đầu tiên kể từ ngày 19/3, theo số liệu của Bloomberg. Tài sản của quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới này giảm 22% trong năm nay. Vàng giảm 14% kể từ đầu năm 2013 khi một số nhà đầu tư mất niềm tin vào vàng như một phương tiện tích trữ giá trị và chuyển sang tài sản khác.

 

Nhận định về giá vàng tuần này, trong số 25 chuyên gia tham gia khảo sát của Kitco, chỉ có 8 người cho rằng giá vàng sẽ đảo chiều tăng trong khi có tới 11 người nghiêng về khả năng giá tiếp tục đi xuống. 6 chuyên gia nhận định vàng sẽ đứng giá.

 

An Hạ