“Vàng đen” vẫn chảy máu

(Dân trí) - Đến nay, mặt hàng xuất lậu nhiều nhất từ nước ta vẫn là than, quặng các loại và cả mặt hàng xăng dầu.

Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng tới thất thu thuế của Nhà nước mà còn tổn hại đến tài nguyên, an ninh năng lượng quốc gia.

 

Số liệu từ Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương được gọi tắt là Ban Chỉ đạo 127/TW cho thấy, trong năm 2011, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý trên 124 nghìn tấn quặng các loại xuất lậu ra nước ngoài, tăng trên 30 nghìn tấn, tức tăng 25% so với năm 2010.

 

Trong khi đó, mặt hàng xăng dầu  xuất lậu, chủ yếu qua biên giới Tây Nam được phát hiện và xử lý xấp xỉ 400 nghìn lít xăng, dầu các loại có giảm so với năm 2010, nhưng lại có mật độ tập trung cao vào thời điểm tháng 2 - 3/2011, thời điểm giá bán lẻ xăng, dầu trong nước chưa điều chỉnh tăng.

 

Đối với than, tình hình khai thác trái phép và xuất lậu than ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định,… nơi có các tuyến đường sông thuận lợi để tập kết, vận chuyển vẫn đang diễn biến phức tạp. Tại những địa phương này, các ngành chức năng đã phát hiện những thủ đoạn dùng phương tiện thuỷ trọng tải từ 200 – 3.000 tấn, loại tàu đăng ký tàu sông, tàu biển vận chuyển nội địa để chở thanh sang Trung Quốc tiêu thụ.
 
“Vàng đen” vẫn chảy máu
Tình hình xuất lậu than qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp (ảnh internet).

 

Theo đánh giá, hiện nay không chỉ có việc xuất lậu các loại quặng ở phía Bắc, mà quặng tian, một trong những tài nguyên khá phong phú và phân bố rộng rãi trên nhiều vùng ở nước ta (đặc biệt là khu vực Duyên hải miền Trung) cũng đang bị tuồn ra nước ngoài theo con đường bất hợp pháp. Riêng tỉnh Bình Định, từ năm 2006 đến năm 2011 ước tính có gần một triệu tấn titan thô xuất lậu ra nước ngoài, chủ yếu là sang thị trường Trung Quốc.

 

Những tổn hại trên do những doanh nghiệp không được phép hoạt động xuất khẩu titan nhưng lại thực hiện mua tại các tỉnh miền Trung, vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc, chủ yếu là Hải Phòng và Quảng Ninh sau đó xuất lậu đi Trung Quốc.

 

“Qua đánh giá cho thấy, mặt hàng xuất lậu chủ yếu trong năm 2011 là than, quặng các loại và xăng dầu”, đại diện Ban chỉ đạo 12/TW cho hay. “Tình trạng vận chuyển trái phép than, khoáng sản không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, giả mạo hồ sơ đủ tiêu chuẩn hàm lượng, không khai báo hải quan đối với những loại khoáng sản có giá trị kinh tế lớn để xuất cùng với những loại có giá trị thấp đã được khai báo với hải quan đang có diễn biến phức tạp”.

 

Theo Ban chỉ đạo 127/TW, nguyên nhân vẫn để tình trạng chảy máu tài nguyên là do việc cấp phép khai thác mỏ, chế biến và xuất khẩu quặng các loại, nhất là quặng titan, quặng sắt và một số quặng quý hiếm còn buông lỏng quản lý, thiếu chế tài kiểm tra, giảm sát việc chấp hành các quy định về khai thác, chế biến, xuất khẩu quặng của doanh nghiệp.

 

Bên cạnh đó, do nhu cầu tiêu thụ khoáng sản của Trung Quốc rất cao nên họ tìm mọi cách tận thu khoáng sản nước ta bằng cách trả tiền cao nên các doanh nghiệp và cá nhân hám lợi xuất lậu khoáng sản sang Trung Quốc ngày một tăng.

 

Để kịp thời ngăn chặn tình trạng chảy máu “vàng đen”, Phó trưởng Ban chỉ đạo 127/TW vừa đề xuất với Chỉnh phủ giao cho tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xem xét việc lập cảng, bến bãi mua gom, tập kết tiêu thụ thanh trái phép, ngăn chặn tình trạng xuất lậu than,khoảng sản sang biên giới phía Bắc trên tuyến đường biển. Ngoài ra, thường trực Ban chỉ đạo 12 là Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan khác đánh giá tình hình cấp phép khai thác mỏ, chế biến và xuất khẩu quặng các loại.

 

Trong năm 2011, các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện hơn 33.600 vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu (trị giá hơn 287 tỷ đồng), trên 6.100 vụ hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (trị giá gần 19 tỷ đồng) và phát hiện, xử lý hơn 35.100 vụ gian lận thương mại và vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm 9trị giá hơn 21 tỷ đồng),… Mặt hàng vi phạm lớn là rượu các loại, máy tính, gas, thực phẩm, thịt các loại.

 

Năm 2011, theo báo cáo của 61 Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 203.592 vụ vi phạm pháp luật (tăng 19.560 vụ so năm 2010), thu hơn 5.413 tỷ đồng (tăng hơn 2.160 tỷ đồng so năm 2010).

 

Hà Anh