1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vàng đang đối mặt với đợt bán tháo mới?

(Dân trí) - Không còn cảnh nhộn nhịp tranh mua như mấy ngày trước, 2 hôm nay thị trường vàng lại quay về cảnh trầm lắng như những dịp ít biến động trước đó. Các doanh nghiệp dự báo, vàng đang đối mặt với một đợt bán tháo mới, khi quay về mốc 890 - 900 USD/ounce.

Vàng trong nước cao hơn thế giới 150.000 đồng/lượng

Theo công bố từ Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, chi nhánh Hà Nội, giá vàng miếng được niêm yết ở mức giá 1,735 triệu đồng/chỉ (mua vào) - 1,745 triệu đồng/chỉ (bán ra), giảm nhẹ 3.000 đồng so với chốt phiên chiều qua.

Cùng với mức giá niêm yết dao động nhẹ, giao dịch trên thị trường cũng trầm lắng trở lại. Tuy chưa thống kê, nhưng theo đại diện SJC Hà Nội, tổng giao dịch tại của hàng này từ hôm qua tới nay đã giảm đi đáng kể.

Còn trên thế giới, giá vàng giao ngay hôm qua đã vượt ngưỡng 880 USD/ounce, đạt mức 881,1/882,3 USD/ounce, nhưng giao dịch trên thị trường cũng không mấy khả quan, mặc cho giá dầu thô nhẹ ngọt tăng vượt ngưỡng 120 USD/thùng.

Sáng nay, giá vàng giao ngay giao dịch ổn định ở mức 876 - 877 USD/ounce, giảm nhẹ so với mức giá đóng cửa hôm qua tại New York.

Theo nhận định của giới chuyên gia, giá dầu thô không hỗ trợ tích cực cho giá vàng như trước đây, nhưng cũng đủ để có thể đẩy giá vàng hướng tới ngưỡng 900 USD/ounce trong ngắn hạn nếu như giá dầu vẫn duy trì mức cao như hiện nay.

Ông Chu Văn Học - Phó phòng kinh doanh của SJC Hà Nội cho biết: Xu hướng mua vào của người dân trên thị trường vẫn chiếm đa số, nhưng vàng đang đối mặt với một đợt bán tháo chốt lời mới, khi giá vàng vượt mốc 890 - 900 USD/ounce. Hiện tại, giá vàng trong nước được điều chỉnh giảm nhưng vẫn cao hơn thế giới 150.000 đồng/lượng.

Trên sàn giao dịch vàng ACB, khối lượng giao dịch cũng giảm khá nhiều. Với mức giá khớp 1,728 triệu đồng/chỉ, tính đến 13h40 phút chiều nay, ở thị trường Hà Nội và TPHCM chỉ có 178.900 lượng vàng được chuyển nhượng thành công, tương đương giá trị 3.127 tỉ đồng.

Sàn giao dịch vàng: Sòng bạc?

Sàn giao dịch vàng có mặt tại Việt Nam chưa lâu (sàn ACB Sài Gòn hoạt động từ năm 2007, sàn Hà Nội đầu năm 2008), nhưng nó cũng đã góp phần giảm thiểu sự quá tải khi thị trường vàng bước vào mùa cao điểm.

Tuy nhiên, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) trong bài phân tích “những mặt tích cực của lạm phát trong bối cảnh hiện nay” ngày 6/5 lại cho rằng: Hầu như tất cả người đến tham gia các sàn giao dịch vàng không phải với mục đích mua vàng để cất giữ mà chủ yếu đầu cơ nhằm hưởng chênh lệch giá vàng. Như vậy sẽ có 1 lượng tiền nhàn rỗi rất lớn đổ vào các sàn giao dịch, đồng thời cũng cần có 1 lượng vàng lớn phục vụ cho các nhu cầu này.

“Những giao dịch trên thực chất là 1 hình thức đánh bạc, sàn giao dịch vàng trở thành 1 sòng bạc hợp pháp và 1 lượng vốn tiền mặt lớn được tập trung giao dịch ở đây mà không hướng vào sản xuất kinh doanh. Đã đến lúc ngân hàng nhà nước nên cấm việc tồn tại của các sàn giao dịch vàng” - VAFI nhận định.

Do đó, VAFI đề xuất tăng thuế nhập khẩu vàng lên từ 10 - 20% nhằm hạn chế nhập siêu, tăng thu thuế cho ngân sách nhà nước. Hiệp hội này chỉ ra rằng, trong 4 tháng đầu năm 2008, cả nước đã nhập 43 tấn vàng (bằng 1/2 khối lượng nhập khầu năm 2007), tương ứng giá trị khoảng 1,2 tỷ USD.

“Với tốc độ này thì đến cuối năm chúng ta phải dành 1 lượng ngoại tệ khoảng gần 4 tỷ USD cho nhập siêu, đây là 1 tỷ lệ quá lớn cho tiêu dùng” - VAFI nhấn mạnh.

Tuy nhiên trước những ý kiến đánh giá sàn giao dịch vàng là "sòng bạc" của VAFI, ACB đã có những ý kiến phản hồi. (chi tiết..)

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm