Vàng bảo toàn giá trị suốt 2.500 năm: Sự thật hay hư cấu?
(Dân trí) - Bằng cách so sánh giá giữa vàng và một số mặt hàng như lúa mỳ, ngũ cốc... phần nào chứng minh, vàng bảo toàn được giá trị tài sản qua thời gian. Tuy nhiên, mọi so sánh không tránh khỏi khập khiễng khi mỗi hàng hóa đều có lý do biến động giá riêng.
Một trong những đặc điểm khiến vàng trở nên thu hút các nhà đầu tư chính là tính bảo toàn giá trị tài sản. Kim loại màu này có xu hướng duy trì giá trị của nó theo thời gian. Thậm chí, một số người còn nói rằng, 1 ounce vàng có thể mua cùng một lượng bánh mỳ tại bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử.
1 ounce vàng sẽ mua được 1 khối lượng bánh mỳ như nhau tại bất cứ thời điểm nào?
Ở bối cảnh hiện nay, dù điều này sẽ gây nhiều tranh cãi, song một tính toán nhanh dưới đây có thể đưa lại những kết quả thú vị.
Chẳng hạn, từng có thống kê được công bố rộng rãi cho rằng, 1 ounce vàng mua được 350 ổ bánh mỳ vào thời đại vua Nebuchadnezzar, người trị vì Babylon trong suốt thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên (TCN).
Vậy, ngày nay sẽ có bao nhiêu ổ bánh mỳ mua được mua từ 1 ounce vàng? Việc tính toán không đơn giản như người ta nghĩ. Có quá nhiều loại bánh mỳ và giá cả của chúng cũng khác nhau. Tuy nhiên, nếu nhìn vào chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ do Văn phòng thống kê lao động cung cấp, trung bình, cứ 1 cân bánh mỳ ở đây có giá từ 1,44 - 2,04 USD tùy vào đó là bánh mỳ trắng hay bánh mỳ đen.
Nếu chúng ta lấy trung bình của hai mức giá và tiếp tục giả định rằng 1 ổ bánh mỳ nặng 1,5 kg, thì sẽ có giá 2,61 USD/ổ. Thế nhưng, vấn đề là tại những địa phương có mặt bằng giá cả đắt đỏ hơn thì mức giá này không thật hợp lý.
Dù vậy, trong bất kỳ trường hợp nào, nhìn chung, 1 ounce vàng với thị giá khoảng 1.585 USD có thể mua 607 ổ bánh mỳ. Điều đó cũng có nghĩa rằng, 1 ổ bánh mỳ sẽ phải có giá khoảng 4,5 USD để đạt được tỷ lệ giá bằng 1:350 so với vàng.
Kết quả này có xu hướng ủng hộ quan điểm "vàng duy trì giá trị của nó theo thời gian". Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, nếu dựa trên tỷ lệ có phần hơi khôi hài vàng và 1 ổ bánh mỳ thì những người khác hoàn toàn có thể rút ra kết luận: vàng đang được định giá cao.
Vấn đề là làm thế nào để so sánh giá trị tương đối của vàng với các hàng hóa khác? Gắn với chủ đề bánh mỳ, trước hết hãy nhìn vào tỷ lệ vàng/lúa mỳ.
Mặc dù không có dữ liệu nào về giá bánh mỳ vào thế kỷ thứ 6 TCN, tuy nhiên, dữ liệu có được tại một số thời điểm lịch sử khác cho thấy giá vàng hiện nay đang khá đắt so với lúa mỳ. Theo quan điểm của chúng tôi, giai đoạn sau 1980 là đáng chú ý nhất. Trước năm 1971, vàng được giao dịch ở một mức giá cố định tại Mỹ và phải bắt đầu từ thập niên 80 trở lại đây, tỷ lệ lạm phát cao đã không ngừng thúc đẩy các đợt tăng giá.
Trong vòng 25 năm sau năm 1980, tỷ lệ vàng/lúa mỳ tương đối ổn định, dao động trong khoảng 90 và 150. Chỉ gần đây, tỷ lệ vàng/lúa mỳ vượt lên trên phạm vi đó.
Tỷ lệ vàng/lúa mỳ (tính theo đơn vị giạ).
Các tỷ lệ tương tự với vàng/ngũ cốc và vàng/đồng. Cả hai tỷ lệ này đều có xu hướng tăng:
Tỷ lệ vàng/ngũ cốc (ounce/giạ).
Tỷ lệ vàng/đồng (ounce/cân).
Thế nhưng, nếu so sánh với một hàng hóa khác là dầu thì tỷ lệ vàng/dầu hiện tại lại đang thấp hơn so với thời kỳ cao điểm của nó 30 năm trước đây. Nói cách khác, giá tương đối của vàng đang trở nên rẻ hơn so với dầu.
Tỷ lệ vàng/dầu.
Tất nhiên, có những lý do riêng cho sự biến động giá của từng hàng hóa. Có thể, sự phát triển của khoa học công nghệ đã giúp giảm chi phí thực tế sản xuất lúa mỳ và qua đó, khiến giá mặt hàng này trở nên rẻ hơn, và làm tăng tỷ lệ vàng/lúa mỳ.
Mỗi người có thể sẽ rút ra những kết luận khác nhau từ các tỷ lệ khác nhau, song có một điều chắc chắn: Thật khó để tranh luận với quan điểm cho rằng, vàng có xu hướng bảo tồn giá trị của nó theo thời gian. Các bằng chứng đã nói lên điều đó.
Bích Diệp
Theo HardAssetsInvestor