Vẫn nên gửi tiền ở ngân hàng

Trong khi các kênh đầu tư khác bất ổn thì gửi tiền tiết kiệm vẫn kiếm được đồng ra đồng vào dù lãi suất thấp.

Việc các ngân hàng thương mại lớn liên tục đưa lãi suất huy động về mức 7%, 6% rồi 5%/năm và sẽ còn thấp hơn nữa đang khiến cho nhiều người dân băn khoăn. Bởi lúc này họ không biết nên gửi gắm số tiền nhàn rỗi của mình vào kênh nào là an toàn nhất. Chúng tôi đã phỏng vấn TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, để làm rõ hơn vấn đề này.

 

Theo ông, mỗi người đều có tính toán của riêng và định hướng đầu tư khác nhau dựa vào lợi thế bản thân và gia đình của mình. Và tình hình hiện nay cũng là thông lệ chung của quốc tế chứ không chỉ riêng ở Việt Nam.

 

Gửi tiết kiệm là an tâm nhất!

 

Thưa ông, với lãi suất huy động tiền gửi giờ chỉ còn 5%/năm, người dân nên gửi tiền vào đâu?

 

Chúng ta cần hiểu đây là lãi suất kinh doanh của các ngân hàng thương mại. Lãi suất này chỉ áp dụng cho thời hạn một tháng. Như vậy người gửi tiền kỳ hạn dài ngày, ví dụ ba tháng trở lên vẫn có ăn mà. Nói vậy để dễ hiểu hơn, thay vì gửi một tháng người dân có thể gửi ba tháng trở lên…

 

Nhưng mức lãi suất huy động này là quá thấp, thưa ông?

 

Thấp là thấp thế nào? Mức lãi suất như vậy là cao so với các kênh đầu tư sinh lời rồi! Bạn thử hình dung lại xem kênh bất động sản đang chết, chứng khoán thì chìm lỉm, còn vàng thì quá rủi ro. Nếu là người có nhiều tiền, bạn có dốc vốn vào đó đầu tư hay không?

 

Vậy là người dân chỉ còn mỗi kênh gửi tiết kiệm để hưởng lợi?

 

Câu hỏi của bạn đã là câu trả lời. Trong khi các kênh đầu tư khác bất ổn thì gửi tiền tiết kiệm ngân hàng vẫn kiếm được đồng ra đồng vào, dù lãi suất thấp. Thậm chí theo tôi lãi suất thực âm người dân vẫn nên gửi tiền ngân hàng. Đơn giản, một khi người dân không có lợi thế khi bỏ tiền vào lĩnh vực khác, không am hiểu việc mình làm thì có cầm tiền lớn ra kinh doanh, đầu tư cũng chưa chắc ăn mà còn có thể mất vốn.

 

Thời điểm này người dân nên gửi tiền vào ngân hàng để ăn lãi và chỉ gửi với kỳ hạn ngắn.
Thời điểm này người dân nên gửi tiền vào ngân hàng để ăn lãi và chỉ gửi với kỳ hạn ngắn.

 

Vậy theo ông ai có tiền cũng nên gửi vào ngân hàng sao?

 

Tôi không cho là vậy! Tiền còn tùy thuộc vào tính toán mỗi người. Tôi đơn cử nếu bạn lo được việc ăn uống, ở, mặc, học hành… ngon lành thì tiền nhàn rỗi đầu tư là một việc khác.

 

Như thế là sao, thưa ông?

 

Theo tôi, người dân chỉ đầu tư khi tiền nhàn rỗi. Nếu không có khoản tiền này thì tôi khuyên không nên vay để đầu tư, vì rất rủi ro.

 

Nghĩa là việc tiết kiệm, đầu tư, sinh lời người dân phải tính toán ra được. Nôm na là tiền nào ăn, tiền mặc, học hành, tiền đầu tư phải rõ ràng. Một khi đã phân loại rõ thì người dân sẽ biết bỏ tiền vào đâu để sinh lãi. Nói thật lúc đó tiền gửi tiết kiệm không phải là chắc ăn nhất.

 

Nói như ông thì người dân vẫn mông lung rồi?

 

Đúng! Một khi người dân muốn đầu tư lĩnh vực nào thì phải am hiểu lĩnh vực đó. Hiểu bất động sản mới đầu tư nhà đất, am hiểu vàng thì mới gia nhập kênh vàng và gửi tiền cũng vậy, phải hiểu tiết kiệm là thế nào…

 

Suy ra chỉ còn mỗi kênh tiết kiệm là đang lợi thế nhất?

 

Đúng hoàn toàn. Hiện người dân đang không biết rót tiền vào đâu. Do đó bỏ tiền vô ngân hàng là an tâm nhất.

 

Nguy cơ kinh tế giảm phát

 

Vậy khi nào người dân có thể mạnh dạn đầu tư rõ ràng hơn?

 

Đó là khi nền kinh tế ổn định, niềm tin người dân được khôi phục. Lúc đó mới nên bàn đến chuyện làm ăn.

 

Tuy nhiên, việc người dân chỉ chọn gửi tiết kiệm trong thời gian này có hại gì cho nền kinh tế không?

 

Cái hại vô cùng to lớn. Đồng tiền nhàn rỗi trong dân không đi vào sản xuất kinh doanh. Cả một nền kinh tế bế tắc, hàng làm ra không bán được, doanh nghiệp phá sản liên tục. Bên cạnh đó nền kinh tế phải trả lãi cho vốn gửi tiết kiệm.

 

Nếu phải đưa ra lời khuyên cho khách hàng đầu tư, ông sẽ nói gì?

 

Nói như tôi đã nói: Thời điểm này nên gửi tiền vào ngân hàng để ăn lãi. Nếu có gửi thì gửi kỳ hạn ngắn. Dòng tiền này người dân nên chực chờ khi nền kinh tế có chuyển biến, có thay đổi để biết lấy ngắn nuôi dài, chờ thời cơ. Nôm na là biết rút ra, gửi vào sao cho sinh lãi nhất.

 

Như ông nói, tiền nhàn rỗi chỉ gửi tiết kiệm mà không đầu tư thì nền kinh tế sẽ bị giảm phát?

 

Đúng! Nền kinh tế hiện nay đang giảm phát, tiêu dùng không tăng mà người dân cứ chăm chăm tiết kiệm. Như vậy, việc vực dậy nền kinh tế như thế nào rất cần Nhà nước dang tay cứu.

 

Xin cảm ơn ông.

 

Theo Bùi Nhơn

Pháp Luật TPHCM