Thanh Hóa:

Vẫn lúng túng “giá điện ưu đãi” cho người thuê trọ

(Dân trí) - Đã 5 tháng kể từ khi có chính sách giá điện ưu đãi cho người thuê trọ nhưng hầu hết sinh viên và những người lao động vẫn không biết chủ trương này và đang phải trả mức giá “cắt cổ” do chủ nhà đưa ra.

Vẫn lúng túng “giá điện ưu đãi” cho người thuê trọ - 1
Chính sách chưa đến tay, cuộc sống của nhiều sinh viên thêm vất vả. 
 
Theo khảo sát của PV Dân trí tại các điểm có nhà trọ cho SV và người lao động thuê trên địa bàn TP Thanh Hóa, hầu hết những người được hỏi đều cho biết “không biết chủ trương này và hiện đang phải trả tiền điện do chủ nhà đặt ra với mức giá từ 2.000 - 2.500 đồng/kWh”.
 
Với mức giá này, họ đang trả cao gấp nhiều lần so với quy định về ưu đãi của Nhà nước.
 
Bạn Nguyễn Thị N (SV trường Đại học Hồng Đức, trọ tại thôn Đồng Giang, xã Quảng Thịnh, huyện Quảng Xương) ngán ngẩm: “Chúng em vẫn phải chịu giá điện 2.500 đồng/kWh vì không biết chủ trương trên của Nhà nước, mà chủ nhà cũng không thông báo hay hướng dẫn. Hàng tháng họ chốt số trên công tơ rồi cứ thế nhân lên mà nộp tiền”.
 
Bà Nguyễn Thị Vị, chủ một nhà trọ tại thôn Đồng Giang, xã Quảng Thịnh, huyện Quảng Xương cho biết: “Ở đây thu vậy đó, không thích ở thì thôi! Giá này là chúng tôi đặt ra, cũng không biết có chủ trương nào cả, mà cũng chưa thấy có thông báo hướng dẫn của cơ quan nào, chúng tôi kinh doanh mà không thu vậy lấy đâu ra tiền mà trả”.
 
Thực tế này cũng đang diễn ra ngay cả trong các ký túc xá SV tại các trường đại học trên địa bàn.
 
Tại ký túc xá Đại học Hồng Đức, một SV khoa Kinh tế - Quản trị Kinh doanh, cho hay: “Tụi em ở đây cũng không biết có chủ trương này. Hàng tháng cứ theo số điện và giá do Ban quản lý tính mà nộp tiền thôi, chúng em chỉ mỗi việc ký nhận vào sổ ghi chép bằng tay và đưa tiền cho cán bộ quản lý”.
 
Đem thắc mắc này hỏi bên quản lý điện, ông Đỗ Đức Đạo, Tổ trưởng kinh doanh, Chi nhánh điện thành phố Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi đã có thông báo đến các phường xã về việc này và cũng đã có kiểm tra nhưng rất khó vì hầu hết SV ở trọ đều chưa đủ điều kiện được mua điện trực tiếp. Sự lỏng lẻo này là do cách quản lý của chính quyền địa phương trong việc khai báo tạm trú tạm vắng”.
 
Tuy nhiên, trả lời PV Dân trí, ông Lê Hữu Cần, Phó hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức lại khẳng định như “đinh đóng cột” rằng: “Đến giờ phút này, chúng tôi vẫn chưa hề nhận được bất kỳ một văn bản hay thông báo nào của cơ quan chức năng hướng dẫn về việc thực hiện giá bán điện ưu đãi cho SV. Hiện chúng tôi đang thực hiện thu giá điện SV theo giá điện chung”.
 
Trong khi các ngành chức năng “nhường” lỗi cho nhau và thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương trên của Nhà nước thì hàng nghìn SV và người thuê nhà trọ vẫn đang phải chịu mức giá điện cao gấp nhiều lần so với quy định.
 
Và điều đó chắc chắn không chỉ đang diễn ra ở thành phố Thanh Hóa!
 
Ngày 24/2/2010, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 08/2010/TT-BCT qui định về giá bán điện năm 2010 và hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi đối với đối tượng là SV và người lao động thuê nhà.
 
Theo đó, SV và người lao động thuê nhà có thời hạn từ 12 tháng trở lên thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) hoặc uỷ quyền cho đại diện người lao động hoặc SV thuê nhà ký kết HĐMBĐ (có bảo lãnh thanh toán tiền điện của chủ nhà).
 
Chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hoá đơn tiền điện hàng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành.
 
Để giám sát việc thực hiện Thông tư trên, Bộ Công Thương cũng đã ra Chỉ thị số 11CT-BCT về kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá bán lẻ điện năm 2010 tại các địa điểm cho thuê nhà trọ.
 
Theo đó, Bộ yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố phải phối hợp với các Công ty điện lực và các đơn vị có liên quan tuyên truyền và tổ chức kiểm tra việc thực hiện giá bán lẻ điện tại các địa điểm cho thuê nhà. Xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp chủ nhà cho thuê thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hàng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành.
 
Duy Tuyên