VAMC không toàn năng nhưng không thể thay thế!

(Dân trí) - Theo Ngân hàng Thế giới WB, VAMC là bước đi quan trọng để giải quyết nợ xấu nhưng một phương án khác cũng cần phát huy là M&A. Tuy nhiên, hoạt động M&A và bán cổ phần lại phải lưu ý tới xung đột lợi ích.

Tại buổi họp báo công bố Báo cáo cập nhật tăng trưởng kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 12/7, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam Deepak Mishra đánh giá, việc thành lập Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC) là một bước đi rõ rệt nhất từ trước đến nay của Chính phủ trong việc giải quyết nợ xấu.

Dưới hình thức hoạt động phi lợi nhuận, chịu sự quản lý duy nhất của Chính phủ với số vốn ban đầu 500 tỷ đồng, VAMC có nhiệm vụ mua lại nợ xấu từ các ngân hàng thông qua trái phiếu đặc biệt có kỳ hạn 5 năm với lãi suất 0%.

Việt Nam cần có những cải cách về thể chế để tạo thuận lợi cho vận hành của VAMC (ảnh: Bloomberg).
Việt Nam cần có những cải cách về thể chế để tạo thuận lợi cho vận hành của VAMC (ảnh: Bloomberg).

Các ngân hàng được tái cấp vốn nhờ vào loại trái phiếu này phải tuân thủ chặt chẽ những quy định của NHNN. Đến kỳ đáo hạn, các ngân hàng phải mua lại nợ từ NHNN và hoàn trả trái phiếu đặc biệt cho NHNN.

Một điểm đáng chú ý đó là với quyền hạn của mình, VAMC có quyền mua bán nợ, tái cấu trúc nợ, sửa đổi các điều khoản trả nợ, chuyển đổi nợ thành vốn cho khách hàng vay, đầu tư, nâng cấp, tổ chức đấu giá tài sản, và thậm chí còn đảm bảo cho các công ty, cá nhân vay tiền từ tổ chức tín dụng.

Nếu một tổ chức tín dụng nào tồn tại số nợ xấu quá 3% tổng dư nợ tín dụng mà từ chối bán nợ cho VAMC thì NHNN hoàn toàn có thể thanh tra, hoặc có thể thuê bên thứ 3 thực hiện kiểm toán đánh giá tài sản. Sau đó lấy kết quả kiểm toán để thực hiện việc mua nợ, đưa ra các điều khoản buộc các ngân hàng thương mại tuân thủ.

Ngoài ra NHNN cũng sẽ công bố bản báo cáo tài chính cũng như các thủ tục và phương pháp định giá tài sản và nợ của các NHTM.

Đại diện WB khẳng định, “đối với Việt Nam, hiện tại, không có phương án nào thay thế cho VAMC. Nhiều nước gặp vấn đề như Việt Nam cũng phải có một công ty để đứng ra xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, xử lý nợ xấu đòi hỏi cách tiếp cận tích cực và dài hạn”.

Tuy vậy, ông Deepak cũng lưu ý rằng, một số cơ chế hoạt động của VAMC cần đi theo thông lệ quốc tế, đơn cử như đo lường được chính xác quy mô nợ xấu. Bên cạnh đó, việc mua bán nợ xấu theo giá trị sổ sách như cách thức của VAMC cũng khác với cách làm của các nước khác.

 Lưu ý xung đột lợi ích trong M&A, bán cổ phần ngân hàng

Trước báo giới, WB với tư cách là đối tác tư vấn cho Chính phủ cũng đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần phải có các cải cách mang tính bổ sung như cơ chế giám sát của Ngân hàng Nhà nước, tạo cơ chế hoạt động độc lập và nguồn nhân lực đủ cho VAMC, song song với việc tăng cường năng lực của khu vực tòa án giúp VAMC vận hành thuận lợi hơn.

Họp báo WB ngày 12/7/2013.
Họp báo WB ngày 12/7/2013.

Đánh giá cao về bước tiến của Chính phủ khi cho ra đời VAMC, nhưng WB cũng nhấn mạnh, một phần quan trọng khác trong tiến trình tái cơ cấu ở Việt Nam là gia tăng các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A), tăng cường cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.

Một số thương vụ sáp nhập điển hình có thể kể đến là sáp nhập 3 ngân hàng yếu kém (TinNghiaBank, Ficom Bank, SCB), SHB mua lại Habubank...

Trong khi đó sự hiện diện của các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài ngày càng gia tăng thông qua việc Mizuho mua 15% cổ phần Vietcombank; Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ mua lại 20% cổ phần Vietinbank; DOJI mua lại 20% cổ phần Tien Phong Bank...

Hoạt động M&A đã đưa số lượng các NHTM trong nước giảm từ con số 43 trong năm 2011 tới còn 39 ngân hàng vào cuối năm 2012 và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm. Tuy nhiên trong bối cảnh đó, cũng có một ngân hàng mới được thành lập, đó là Ngân hàng Hợp tác xã (Co-op Bank), thay thế Quỹ tín dụng nhân dân trung ương.

Tuy nhiên, theo WB, việc sáp nhập các ngân hàng yếu lại với nhau không đảm bảo sẽ tạo ra một ngân hàng khoẻ mạnh ngay, và do đó đặt ra nhiều mối lo ngại chưa được giải quyết. Bên cạnh đó, việc quản lý các ngân hàng bởi các tổ chức không phải là ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn và rủi ro mang tính hệ thống do có sự xung đột lợi ích với nhau.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm