Fitch: VAMC khó giải quyết triệt để nợ xấu ngân hàng

(Dân trí) - Fitch Ratings cho rằng, VAMC khó có thể giúp Việt Nam giải quyết triệt để những vấn đề liên quan đến chất lượng tài sản các ngân hàng nếu không có được sự cải thiện đáng kể về chính sách.

Tại báo cáo cập nhật mới đây, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings cho rằng, việc lập Công ty Quản lý Tài sản Quốc gia (VAMC) nhằm mua bán nợ xấu khó có thể giúp Việt Nam giải quyết triệt để những vấn đề liên quan đến chất lượng tài sản các ngân hàng nếu không có được sự cải thiện đáng kể về chính sách.

Tổ chức này cho rằng, nếu không có thêm nguồn vốn mới, các ngân hàng có thể sẽ gặp hạn chế trong khả năng tái cấu trúc cũng như hỗ trợ nền kinh tế.

“Chúng tôi cho rằng, các ngân hàng Việt Nam vẫn đối mặt với rủi ro mất vốn sau kể cả khi đã bán lại nợ xấu cho VAMC”, Fitch nhận định. Nguyên nhân do hàng năm các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho trái phiếu đặc biệt do Chính phủ bảo lãnh, đồng nghĩa VAMC chỉ kéo dài thời gian để các ngân hàng bù đắp thua lỗ.

Fitch: VAMC khó giải quyết triệt để nợ xấu ngân hàng

Các ngân hàng đồng thời cũng sẽ không được bơm thêm vốn và nợ Chính phủ sẽ không tăng . Tuy nhiên, theo Fitch, vẫn có thể phát sinh chi phí tài chính nếu tiến trình giải quyết nợ xấu không thành công, và nếu nợ xấu được chậm giải quyết sẽ hạn chế khả năng hỗ trợ nền kinh tế của các ngân hàng.

Theo Fitch, một lựa chọn khác thay thế VAMC là tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng nhưng có thể sẽ tốn kém hơn.

“Chúng tôi cho rằng, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng có thể cao gấp 3-4 lần so với số liệu báo cáo của các ngân hàng”. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 9/2012, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng chiếm 8,8% tổng dư nợ tín dụng trong khi các ngân hàng báo cáo lên chỉ ở mức 4,9%. 

Lý giải về con số khác nhau, Fitch cho biết, một phần do tính minh bạch trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam, phần khác do cách tính và chuẩn phân loại nợ khác nhau, do vậy ước tính của tổ chức này so với các tổ chức khác có sự chêch lệch.

Nếu như tỷ nợ xấu ở mức cao hơn, vào khoảng 15%, thì chi phí tái cấp vốn đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể chiếm tới 10% GDP năm 2013 với giả định 20% là nợ đòi lại được và tỷ lệ vốn cấp 1 là 12%.

Mới đây, theo kỳ vọng của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, ngay trong năm 2013 này, VAMC sẽ xử lý được từ 40.000-70.000 tỷ đồng nợ xấu.

Ngoài ra, theo nhận định của Fitch, các ngân hàng địa phương ở Việt Nam vẫn có thể thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư ngoại, mặc dù, một số nhà đầu tư cảm thấy không hài lòng với mức trần 30% cho tổng sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài và 20% đối với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Bích Diệp