“Vài triệu đồng/bình bóng cười, nhiều người mua về một mình hút hết”
(Dân trí) - Đó là lời kể của một dân chơi Hà thành đã biết tới bóng cười từ 5 năm trước. Nhưng chính những người này đã không nhận thấy tác hại khôn lường của việc sử dụng sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây nghiện này.
Một mình hút hết cả bình bóng cười
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, anh N.V.N.M. (Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội) đã quá quen với những trào lưu tại đất Hà Thành ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cứ cuối tuần hoặc trong các chuyến đi du lịch, anh M. lại hút bóng cười cùng nhóm bạn của mình.
Anh M. cho biết: “Lúc tụ tập bạn bè, ngoài trò chuyện thì cũng không có gì làm, nên bọn tôi thường sử dụng bóng cười để tạo cảm giác vui vẻ. Ngồi quán cà phê thì mỗi người hút 2 - 3 quả to rồi về. Còn trong các chuyến đi chơi xa, chúng tôi thường mua vài bình để cùng sử dụng.”
“Việc mua bóng cười rất dễ dàng, ngay cả khi đi du lịch Phú Quốc, tôi cũng có thể mua được. Tuy nhiên, giá sẽ cao hơn ngoài Hà Nội 20%”, anh M. cho biết thêm.
Bóng cười thực chất là những trái bóng bay được bơm khí N2O. Sau khi hít khí này, cơ thể có cảm giác tê tê, phấn khích,... Hiện nay tại Hà Nội, giá trung bình mỗi bình khí N2O nặng 5 kg có giá 1,3 triệu đồng, loại bình 20 kg có giá khoảng 3 triệu đồng.
Mỗi bình 20 kg sẽ bơm được khoảng 50 quả bóng cười to, loại bình 5 kg sẽ bơm được khoảng 20 quả to. Nếu thích chia nhỏ ra thì mỗi quả to sẽ bằng 4 - 5 quả bóng cười nhỏ.
Mọi hoạt động mua bán diễn ra rất dễ dàng, người bán đăng lên các trang mạng xã hội. Người mua chỉ việc gọi điện, sẽ có người giao hàng tận nơi, dù ở bất kì đâu.
Việc mua bán dễ dàng, sử dụng lại gây kích thích đã khiến nhiều bạn trẻ không biết điểm dừng. Anh M. cho biết: “Mỗi quả bóng cười to có thể sử dụng trong vòng 20 - 30 phút, quả bé thì khoảng 10 phút. Bóng to hay bóng nhỏ hút đều “phê” như nhau. Nhưng nhiều bạn trẻ không thích ngắt quãng thì thường sử dụng loại to.”
“Có người mới tập tành hút bóng cười còn mua cả bình về để hút. Mua cả bình như vậy thì sẽ được khuyến mại bóng bé, còn mua bóng to thì giá sẽ là 300.000 đồng/túi. Tôi đã thấy nhiều trường hợp như vậy, nhưng chỉ mua bình nhỏ 5 kg để hút chứ không hút nổi bình 20 kg”, anh M. cho biết thêm.
Hiểm hoạ từ những chất kích thích này là vô cùng lớn,sau sự cố liên quan đến vụ 7 thanh niên tử vong tại lễ hội âm nhạc điện tử “Trip to the Moon” diễn ra tại công viên nước hồ Tây tối 16/9, cơ quan điều tra đã phát hiện tại hiện trường có bóng cười cùng nhiều tinh thể màu trắng, viên nén nghi ma túy. Thế nhưng, dường như các bạn trẻ hiện nay vẫn chưa thực sự cảm thấy lo sợ bóng cười.
Hiện nay, ở các quán bar, quán cà phê tại Hàng Tre, Mã Mây, Đào Duy Từ,…không khó để bắt gặp các bạn trẻ đang ngồi vô tư “ngậm” bóng.
Cách đây vài ngày (28/9), Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành tiêu huỷ hàng hoá là bình và khí N2O. Số lượng dự kiến tiêu huỷ là 15.000 kg, tương đương 215 bình các loại. Hàng hoá đem tiêu huỷ được tập kết tại vị trí sân của Urenco 11. Toàn bộ khí sẽ được xả ra ngoài, vỏ bình đựng khí được đập hoặc khoan thủng không thể tái sử dụng được, sau đó bán thu hồi phế liệu nộp vào ngân sách Nhà nước.
“Vài triệu đồng/bình bóng cười, nhiều người mua về một mình hút hết”
Bộ Công an nói gì về việc kinh doanh bóng cười tràn lan?
Nhiều người thắc mắc việc mua bán và sử dụng bóng cười tràn lan, công khai tại các nhà hàng, quán karaoke hay trên mạng Internet có vi phạm pháp luật hay không? Khí N20 trong bóng cười có thuộc danh mục những chất cấm không và được quy định cụ thể tại văn bản nào?
Phía Công thông tin điện tử Bộ Công an có đăng tải nội dung trả lời về việc này. Cụ thể, Như vậy, việc nhập khẩu, mua bán… chất N2O để sử dụng trong công nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội… vẫn được thực hiện nhưng phải đảm bảo đúng những quy định chặt chẽ của pháp luật.
“Sử dụng bóng cười (chứa chất N2O) tuy chưa có điều luật cụ thể nào quy định cấm, song việc mua bán, sử dụng bóng cười cho người là sai phạm vì trước tiên gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người sử dụng và không được cấp phép để mua bán, sử dụng cho người”- văn bản trả lời của Bộ Công an nêu rõ.
Theo Bộ Công an, các hành vi, vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh N2O được xử lý theo các quy định tại Nghị định 115/2016 và Nghị định số 163/2013 của Chính phủ.
Cụ thể, tại Điều 10 Nghị định số 163/2013 quy định hành vi vi phạm quy định về Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh, hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh quy định phạt tiền từ 12- 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh mà không có Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định; Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh khi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất được cấp đã hết hiệu lực.
Phạt tiền từ 20- 25 triệu đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý có thẩm quyền đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất.
Thế Hưng