1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vải thiều Thanh Hà: “Đi tây” còn lắm gian nan!

(Dân trí) - Năm ngoái, quả vải Thanh Hà (Hải Dương) đón tin vui khi lần đầu được xuất khẩu sang thị trường Mỹ - thị trường thuộc hàng “khó tính” nhất thế giới. Năm nay thì người nông dân trồng vải Thanh Hà phải đối diện với rất nhiều khó khăn.

13511422-710353192437757-376048805-n-1466574884827

Cây vải năm nay mất mùa, chỉ bằng khoảng 20% so với năm trước.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn vải trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ, ông Phạm Văn Linh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Thủy, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương tâm sự: “Cái buồn của bà con nông dân ở đây là năm nay vải không được mùa. Nguyên nhân là do thời tiết”.

Thời điểm trước Tết âm lịch thời tiết khô, rét đậm, rét muộn. Nếu rét sớm, cây sẽ có thời gian “nghỉ” để phân hóa mầm hoa. Nhưng lúc trước thì trời ấm quá, bà con phải tiện cây để khống chế “lộc đông” (không cho cây ra lộc -PV). Sau đó, cây vải gặp một trận rét đậm nên cây bị “ngủ sâu”. Đến sau Tết thì trời ấm, lúc ấy cây mới ra lộc thì lại bị chuyển sang giai đoạn “sinh trưởng” chứ không “sinh thực”.

Ông Linh cho biết, ước tính, sản lượng vải năm nay ở địa phương chỉ bằng 20 - 25% so với mọi năm.

Thương lái đánh xe tải đi thu mua vải làm tắc cục bộ đường vào xã Thanh Thủy (Thanh Hà, Hải Dương).
Thương lái đánh xe tải đi thu mua vải làm tắc cục bộ đường vào xã Thanh Thủy (Thanh Hà, Hải Dương).

Từ khi có yếu tố “xuất đi Mỹ”, và làm theo tiêu chuẩn VietGAP, người trồng vải cũng đã bắt đầu có sự thay đổi về cách thức canh tác, chăm sóc cây vải. Các tán cây được tỉa thưa thoáng để ánh sáng vào đều các chùm hoa, thân cây được vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo không có nấm. Các gốc cây được vun đất và làm sạch, quét vôi để giảm trừ sâu bệnh…Nền đất của vườn vải được vệ sinh thường xuyên, không có rác rưởi hay vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi như trước.

Năm ngoái, khi trồng vải để xuất khẩu đi Mỹ, nông dân được hỗ trợ miễn phí khá nhiều từ Nhà nước và doanh nghiệp về thuốc bảo vệ thực vật. Năm nay thì nông dân phải tự bỏ tiền ra mua.

Thuốc loại tốt của Thụy Sĩ, nằm trong danh mục được cho phép thì rất đắt, một bình thuốc có giá từ 30-40 nghìn chỉ phun được hai cây. Thời tiết thuận thì chỉ cần phun khoảng 7 lần. Nếu không thuận, mưa ẩm nhiều, sâu bệnh phát triển thì mỗi cây thậm chí phải phun tới 10 lần.

Vườn vải của chị Lụa: Năm nay cũng mất mùa vì thời tiết khắc nghiệt.
Vườn vải của chị Lụa: Năm nay cũng mất mùa vì thời tiết khắc nghiệt.

Ghé thăm vườn vải của chị Nguyễn Thị Lụa, Trưởng khu dân cư Lại Xá 2, người từng có vải xuất khẩu, chị than thở: “Năm nay khó lắm, vì người ta đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn quá. Năm ngoái, khi xuất khẩu đi Mỹ, đơn vị thu mua yêu cầu quả vải cách ly thuốc sâu 14 ngày. Chúng tôi đã cố gắng làm được. Năm nay, người ta bảo là sẽ xuất khẩu đi Châu Âu, yêu cầu cách ly thuốc tới 30 ngày thì không ai có thể làm được. Vì trong vòng 30 ngày mà không phun thuốc thì chắc chắn sâu bệnh sẽ phát triển, mà vải đã sâu thì không ai mua cả”.

Chị nói, so với cách làm truyền thống, trồng cây vải theo tiêu chuẩn mới đòi hỏi nhiều công sức và tiền bạc. Quy trình chăm cây được chuẩn hóa thành 12 tháng, không “mạnh ai nấy làm” như trước. Cây vải hiện nay để tán thấp, trồng thưa, các gốc được làm cỏ sạch sẽ, bón nhiều thuốc tốt hơn và phải đúng thời điểm để các cây chín là chín rộ đồng loạt, có lợi cho thu hái.

Chị Lụa cũng cho biết, do thời tiết năm nay không thuận nên chính nhà chị cũng bị “xóa sổ” mất một ruộng vải.

Ông Phạm Văn Khanh, Phó Chủ tịch xã Thanh Thủy: Việc xuất khẩu vải đi Mỹ, Châu Âu, Úc mới chỉ phụ thuộc vào một doanh nghiệp thu mua.
Ông Phạm Văn Khanh, Phó Chủ tịch xã Thanh Thủy: Việc xuất khẩu vải đi Mỹ, Châu Âu, Úc mới chỉ phụ thuộc vào một doanh nghiệp thu mua.

Đổ công vất vả như vậy nhưng giá trị quả vải thì bấp bênh. Quả vải bán cho doanh nghiệp xuất khẩu chỉ cao hơn giá tiêu thụ nội địa từ 10 – 15%. Chưa kể, đến giờ việc xuất khẩu chỉ thông qua một công ty thu mua duy nhất. Ông Phạm Văn Khanh, Phó Chủ tịch xã Thanh Thủy cho biết: “Nếu có thêm nhiều công ty vào thu mua thì chắc chắn giá cả sẽ tăng lên”.

Năm ngoái, trước khi xuất khẩu, quả vải phải bay vào miền Nam để chiếu xạ. Mới đây, ngày 20/6, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã nhận được thông báo chính thức của Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Úc. Theo đó, Úc chính thức công nhận Trung tâm chiếu xạ Hà Nội được phép xử lý chiếu xạ quả vải tươi xuất khẩu sang Úc. Theo tính toán, việc chiếu xạ tại miền Bắc sẽ giảm chi phí gần 50%, tức là từ 15-16 triệu đồng/tấn.

Tín hiệu vui là vậy, nhưng việc quả vải đến giờ còn quá phụ thuộc vào thời tiết không khỏi khiến những người trồng vải lo lắng cho nghiệp nông của mình.

Tử Hưng

Vải thiều Thanh Hà: “Đi tây” còn lắm gian nan! - 5

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm