Mất cả tháng làm thủ tục, thì xuất khẩu quả vải cho ai?

(Dân trí) - Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa, các vựa vải thiều lớn nhất phía Bắc như Bắc Giang, Thanh Hà (Hải Dương) sẽ vào mùa thu hoạch chính, các năm trước quả vải vẫn phụ thuộc thị trường chính là Trung Quốc, số lượng vải sang các thị trường khác đã có song vẫn ít. Năm nay, dự kiến lượng xuất khẩu vải sang Mỹ, Pháp và Úc sẽ tăng cao vì các nước này mới cấp phép nhập khẩu vải từ Việt Nam. Tuy nhiên, đường đi và số phận quả vải ra nước ngoài đang bị quá nhiều nút thắt, trong đó chủ yếu là thủ tục của các cơ quan chức năng.

Sau hơn nửa tháng gõ cửa khắp nơi mà vẫn không thể gỡ được rối, một công ty vừa cầu cứu đến Cục Hàng không, xin đơn vị này đứng ra giải quyết các thủ tục xuất khẩu nhanh chóng. Hôm qua (7/6), Cục Hàng không đã gặp gỡ ba bên để đối chất, tìm ra câu trả lời.

Đến mùa vải, nhưng những quả vải mong muốn đi nước ngoài vẫn bị chính thủ tục hành chính trong nước cản trở
Đến mùa vải, nhưng những quả vải mong muốn đi nước ngoài vẫn bị chính thủ tục hành chính trong nước cản trở

Đại diện công ty đứng ra làm thủ tục xuất khẩu quả vải cho hay: "Riêng chi phí vận chuyển, chiếu xạ và dán tem an ninh hàng không… đã chiếm 2/3 giá thành quả vải, làm giảm tính cạnh tranh của quả vải thiều Việt Nam so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Australia", bà Đặng Thanh Hải, Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Công ty CP Quốc tế Logistic Hoàng Hà nói.

Đơn vị này cho biết, họ vừa chuyển đề nghị lên Cục Hàng không Việt Nam nhờ hỗ trợ chính sách về xuất khẩu quả vải sau hơn nửa tháng chạy vạy, gõ cửa nhiều cơ quan, song việc giải quyết nhanh về thủ tục vận chuyển, chiếu xạ và kiểm tra an ninh hàng không rất khó khăn, thường kéo dài thời gian.

Theo đại diện đơn vị này: "Chúng tôi đã liên hệ rất nhiều nơi nhưng gặp tình trạng không biết phải tìm đi đâu vì hỏi đến cơ quan nào cũng bảo không có chính sách để thực hiện. Chúng tôi hiểu rằng đơn vị chiếu xạ là đơn vị bán dịch vụ này sẽ làm đầu mối nhưng họ lại không làm nên chúng tôi gửi công văn sang cục kiểm dịch mới được hướng dẫn thực hiện việc này, chúng tôi không chờ được phải sang hàng không. Chúng tôi không tìm được hướng ra".

Theo DN trên, năm 2015 là năm đầu tiên quả vải được Úc và Mỹ cấp hạn ngạch nhập khẩu vào 2 nước này. Năm trước muốn chiếu xạ, các DN xuất khẩu vải phải chuyển hàng vào TP HCM để chiếu xạ và làm thủ tục an ninh . Năm nay nhận thấy tính cấp thiết phải có nhà máy chiếu xạ ngoài bắc, nên Nhà nước đã đầu tư máy chiếu xạ ở Cầu Diễn (Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội). Tuy nhiên, thủ tục quá nhiều vướng mắc và cản trở.

"Theo yêu cầu cơ quan kiểm dịch của Úc yêu cầu phải có giám sát an ninh và tem chiếu xạ, tem an ninh dán trên thùng sau khi chiếu xạ để lên máy bay đến Úc. An ninh hàng không không được mở niêm phong cho đến khi cơ quan chức năng Úc mở ra. Tem bị mất thì container đó không được nhập khẩu vào Úc", đại diện Công ty Hoàng Hà nói.

Tuy nhiên, cũng theo DN này, hiện phía cảng Nội Bài yêu cầu ngoài chiếu xạ phải kiểm tra an ninh. Quy trình kiểm tra an ninh khiến tem bị bóc ra và không đúng với quy định của phía nhà nhập khẩu. "Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra an ninh tại nơi chiếu xạ ở Cầu Diễn hoặc thống nhất địa điểm, để tạo điều kiện cho DN", đại diện công ty này nói.

Ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng phòng An Ninh (Cục Hàng không Việt Nam) cho hay: Quy trình pháp luật cho phép soi chiếu, giám sát an ninh tại cơ sở nằm ngoài cảng hàng không và thực tế đã triển khai để xuất khẩu các sản phẩm của Samsung tại Bắc Giang, Thái Nguyên. Vấn đề là doanh nghiệp muốn đề nghị soi chiếu, giám sát an ninh phải đề xuất, ngồi lại cùng cơ quan chức năng để xây dựng cơ chế làm việc. Để đề ra được quy chế này không phải ngày một, ngày hai, có khi phải cả tháng.

Có mặt tại cuộc họp, ông Võ Huy Cường - Cục phó Cục Hàng không Việt Nam ngắt lời ngay: “10 ngày nữa vải vào chính vụ thu hoạch mà các anh nói quy chế làm mất hàng tháng thì còn xuất khẩu cho ai nữa?”.

"Hàng nông sản có tính chất thời vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tất cả các bên thì tất cả phải tính toán lại 3 đơn vị cung cấp dịch vụ kho hàng nơi nào đảm bảo không gian, nhiệt độ, phương tiện vận chuyển phải đảm bảo tốt nhất", ông Cường chỉ thị thêm.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảng hàng không Nội Bài: "Trước mắt chúng tôi sẽ tạo điều kiện hết sức cho DN nhưng soi chiếu hiện phải được thực hiện ở cảng hàng hóa Nội Bài, vì đây là cơ sở được Cục Hàng không cấp phép". Tuy nhiên, ông này nêu thực trạng: "Quy trình kiểm tra vải nhiều công đoạn mà mùa vải đến rồi quy trình chưa làm, trang thiết bị chưa đầu tư, con người chưa tuyển dụng thì chỉ đạo làm ngay trong mùa vải này được không. Tôi sợ là không kịp".

Theo đại diện Tổng cục Hải Quan, Hiện niêm phong vải theo thùng chứ không phải theo container nên việc kiểm tra của hải quan và an ninh hàng không đơn giản đi rất nhiều thông qua giám sát từ nhà máy. Trường hợp nghi ngờ kiểm tra xác suất vẫn kiểm tra được.

“Ở TP HCM, lực lượng chức năng kiểm tra ở sân bay, miễn sao thùng đã 2 lần niêm phong chỉ cần kiểm tra theo máy soi. Biện pháp căn cơ phải có quy trình, DN phải có quy trình chuyển đến cơ quan nhà nước bố trí lực lượng dây chuyền đáp ứng được sản xuất kinh doanh mà vẫn đảm bảo quản lý. Nên chúng tôi đề nghị Cục Hàng không xây dựng điểm kiểm tra để các đơn vị cử người đến kiểm tra tại khâu chiếu xạ, sao cho năm nay đáp ứng tối đa để kịp mùa vải”, đại diện Tổng cục Hải Quan cho hay.

Ông này khẳng định: "Rõ ràng ngành hàng không đã đi sau một bước so với tài chính và nông nghiệp. Cảng Nội Bài phải làm như Tp HCM là thông báo triển khai về quy trình đảm bảo an ninh hàng không qua chiếu xạ".

"Nếu kết hợp địa điểm kiểm tra an ninh hàng không và địa điểm chiếu xạ được thì sau này, các địa điểm này sẽ được coi là kho kéo dài hay kho ngoại quan để thống nhất triển khai không phải họp lại nữa và áp dụng cho tất cả các loại nông sản", đại diện Tổng cục Hải quan đề xuất.

Nguyễn Tuyền