Vài nghìn chiếc ô tô “ế”: Đại gia VEAM tính hạ giá nhưng lo mất vốn
(Dân trí) - Trao đổi thêm với Dân trí, lãnh đạo VEAM cho biết: Những xe đăng kiểm năm 2017 vẫn được tiêu thụ bình thường, tuy nhiên những xe này theo tiêu chuẩn khí thải Euro 2 nhưng giá lại không chênh lệch nhiều với Euro 4 do vậy rất khó bán.
Ngày 30/6, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM (VEA) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019.
Trong phần thảo luận, một trong số các nội dung được đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi nhiều nhất là số lượng ô tô tồn kho và định hướng phát triển nhà máy ô tô VM.
Lãnh đạo VEAM thừa nhận “hiện nay hoạt động của VM đang gặp rất nhiều khó khăn, sản phẩm Euro 4 chưa định hình ổn định, tồn kho sản phẩm Euro 2 rất lớn, tiêu thụ chậm, sử dụng vốn không hiệu quả”.
Báo cáo trước đó của lãnh đạo VEAM cho biết, lượng tồn kho của VM luôn ở mức rất cao so với doanh thu thực hiện hàng năm. Trong tổng số hơn 2.000 xe ô tô do VM sản xuất tồn thời điểm cuối năm 2018 thì nhiều xe khó tiêu thụ vì lỗi mốt.
Trong tờ trình cổ đông hôm nay, VEAM cho biết việc giải quyết hàng tồn kho vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Ngô Văn Tuyển – quyền Tổng giám đốc VEAM cho biết lượng vốn tồn kho là hơn 1.000 tỷ đồng với số lượng hơn 2.400 chiếc.
“Việc sản xuất của nhà máy gắn với việc tiêu thụ. Không còn cách nào khác là tìm mọi cách tiêu thụ hết lượng tồn này. Nếu không tiêu thụ được thì sẽ ảnh hưởng tới sản xuất của nhà máy”, ông Tuyển nói.
Trao đổi thêm với Dân trí về định hướng tiêu thụ lô xe ô tô tồn kho nói trên, ông Tuyển cho biết: Những xe đăng kiểm năm 2017 vẫn được tiêu thụ bình thường, tuy nhiên những xe này theo tiêu chuẩn khí thải Euro 2 nhưng giá lại không chênh lệch nhiều với Euro 4 do vậy rất khó bán.
“Giảm giá thì sẽ dễ bán hơn nhưng giảm giá lại lo mất vốn. Đó là cái khó của một công ty nhà nước. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ có những tính toán cụ thể để đưa ra giải pháp hợp lý. Việc giảm giá chỉ là một trong nhiều cách được bàn tới”, ông Tuyển nói.
Chuyển nhà sang HoSE
Cũng tại Đại hội, HĐQT đã trình cổ đông việc niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE), thời gian dự kiến trong năm 2019.
Số lượng cổ phiếu niêm yết là hơn 1,3 tỷ cổ phần.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VEA hiện đang giao dịch trên sàn UpCOM 58.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 30% so với thời điểm đầu năm 2019. Ước tính vốn hóa thị trường của VEAM vào khoảng 76.800 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về lộ trình thoái vốn Nhà nước xuống 36% và niêm yết cổ phiếu VEA trên sàn HOSE, ông Bùi Văn Chuyện - Chủ tịch HĐQT cho biết, việc đưa đưa cổ phiếu VEA lên sàn HOSE được thực hiện trong năm ngoái nhưng chưa thể tiến hành.
Nguyên nhân là theo quy định muốn thực hiện được việc niêm yết này thì báo cáo tài chính không được có yếu tố "ngoại trừ trọng yếu" trong 2 năm liên tiếp. Tuy nhiên, VEAM không đáp ứng được yêu cầu này.
Theo đó, Chủ tịch VEAM kỳ vọng sẽ hoàn thành việc niêm yết mã cổ phiếu này lên sàn TP. HCM theo đúng kế hoạch vào cuối năm nay nếu được Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận.
VEAM là công ty trực thuộc Bộ Công thương, được thành lập ngày 12/5/1990 với mục tiêu trọng tâm là phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Mặc dù mục tiêu này không thực hiện được về mặt kết quả kinh doanh, VEAM vẫn hoàn thành tốt với hàng nghìn tỷ lợi nhuận mỗi năm. Phần lớn lợi nhuận của VEAM tới từ các khoản đầu tư tại các liên doanh Toyota Việt Nam (VEAM góp vốn 20%), Honda Việt Nam (tỷ lệ 30%) và Ford Việt Nam (tỷ lệ 25%).
Nguyễn Mạnh