Vải Ân Độ “đọ sức” với vải Trung Quốc tại...chợ Việt Nam!

Cô bán hàng chỉ vào một chồng vải đủ màu: “Hàng tơ tằm Ấn Độ mới về đó, 50.000đ/m. Loại này nhẹ mình lắm, may sơmi hay may áo dài đều được hết”. Tại một sạp bán vải quần tây, chị chủ sạp giới thiệu: “Đây là hàng Anh “copy”, hàng do Ấn Độ nhập sợi tơ của Anh về dệt. Chỉ có 140.000đ/m”.

Ở nhiều chợ, vải Ấn Độ được người bán hô thành vải Anh, Ý khá mịn đẹp. Hàng chữ trên biên có thể dệt bất cứ xuất xứ nào, không phản ánh chính xác xuất xứ của cây vải. Nhiều khi khúc vải dệt ở Ấn Độ có biên xuất xứ từ Anh, người bán cứ thế “hát” lên thành vải Anh! Và giá đương nhiên cũng đẩy lên.

Nếu đúng là hàng nhập từ Anh, Ý thì giá chưa tính thuế nhập khẩu đã là 15 USD/m, cộng thêm thuế nhập khẩu 40% nữa, giá bán lẻ phải là 450.000 - 500.000đ/m mới có lời. Chị Kim Loan - chủ sạp Kim Loan, chợ Bến Thành, có công ty nhập khẩu trực tiếp vải may veste, quần tây của Anh, Ý - tư vấn: phải xem kỹ mình hàng, biên vải có thể đặt dệt xuất xứ dễ dàng và chỉ là cái để tô son điểm phấn cho tấm vải, dễ gây nhầm giữa hàng Anh, Ý với hàng Ấn Độ.

Vải Trung Quốc (TQ) và Ấn Độ được giới kinh doanh vải đánh giá hiện chiếm đến một nửa số lượng vải tiêu thụ trên thị trường nội địa. Trong đó, vải TQ vẫn lấn át. Hàng Ấn Độ giá thường trên 100.000đ/m nên chỉ bán được ở những thành phố lớn.

Trong khi vải TQ giá thấp hơn, đổ về tận các hang cùng ngõ hẻm vùng quê hẻo lánh. Hàng Ấn Độ và Thái Lan chủ yếu “đánh” vải quần tây. Tơ tằm Ấn Độ có nhập vào nhưng rất ít, không cạnh tranh lại với hàng tơ tằm TQ giá rẻ hơn. 

Ông Nguyễn Thanh Lâm, một doanh nghiệp dệt tư nhân ở Q.Tân Bình, cho biết: “Thuế suất cho vải nhập từ khối AFTA đã hạ thấp nên vải nhập chính ngạch từ các nước khu vực giá đã rất rẻ, vải Thái nhập lậu vào đây cũng không cạnh tranh nổi. Hàng vải lậu Thái Lan cũng có nhưng rất ít. Vải lậu Ấn Độ cũng không đáng ngại. Đáng lo ngại nhất là vải TQ. Giá nào cũng có, từ vài ngàn đến cả trăm ngàn đồng một mét. Chủng loại, mẫu mã cũng phong phú. Hàng cao cấp có, thấp cấp có. Thậm chí hàng vải cao cấp của TQ còn đẹp hơn hàng vải xịn Ấn Độ”.

Nỗi lo ngại ám ảnh những doanh nghiệp dệt như ông Lâm vẫn là “anh” vải lậu TQ: “Cái đáng sợ nhất là các đầu nậu kinh doanh vải TQ đáp ứng đơn hàng rất nhanh chóng, có một hệ thống phân phối khá bài bản, đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường. So với vải Thái Lan, Ấn Độ thì hàng vải TQ vẫn nhập lậu nhiều hơn cả! Vải nội không thể chỉ đương đầu bằng giá cả mà còn phải vận hành cả một hệ thống phân phối, chăm lo chất lượng, quảng bá thương hiệu rộng rãi hơn thì mới mong giữ vững “miếng bánh” thị phần với ông khổng lồ TQ!” - ông Lâm nói.

Và thật đáng suy nghĩ khi có người nhận xét rằng cuộc “đọ sức” vải TQ với vải Ấn Độ đang diễn ra ác liệt trên... sân chợ VN!

Theo Tuổi trẻ