VAFI lại "gây sốc" với đề xuất hạ lãi suất tiền gửi xuống 1%/năm

(Dân trí) - VAFI vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc NHNN về các giải pháp tài chính tiền tệ để hạ lãi suất VND về mức thấp 1%/năm. Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cũng đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm gây xôn xao dư luận.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:  

* Xuất khẩu dầu thô sang Úc tăng vọt dù giá giảm mạnh

* Thương mại điện tử: Khách hàng bị "chăn" ở mọi nơi, mọi lúc

* Khơi vốn vào chứng khoán: 5 năm nay toàn... “bản lề”

* Đại gia điện máy rùng mình sau 'cái chết' của TopCare

* Việt Nam đối mặt thách thức nào trong năm 2015?

* Biến ông chủ biệt thự tiền tỷ thành cổ đông '5 sao'

Mở đầu văn bản đề xuất gửi tới Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đặt câu hỏi: “Ở thời điểm hiện tại, nếu có ai hỏi Thống đốc là có thể đưa được lãi suất tiền gửi nội tệ xuống mức không quá 3%/năm không? Chắc chắn Thống đốc trả lời rằng không thể thực hiện được mục tiêu đó trong tương lai gần vì dư địa giảm lãi suất tiền gửi VND còn rất ít. Nếu VAFI yêu cầu cần kế hoạch đưa lãi suất tiền gửi VND về 1%/năm trong thời hạn 5 - 7 năm nữa thì chắc nhiều người ở NHNN nói rằng đó chỉ là mục tiêu hoang tưởng mà thôi?”

Đề cập tới Bộ Tài chính, VAFI cho hay, với 1 nền tài chính hiện đại, Bộ Tài chính có vai trò cực kỳ quan trọng trong thúc đẩy giảm nhanh lãi suất đồng nội tệ. “Nếu Bộ Tài chính thực sự năng động, chỉ mình Bộ Tài chính đơn phương đưa ra các giải pháp (mà chưa có thêm các giải pháp từ Ngân hàng Nhà nước) thì lãi suất VND có thể giảm xuống mức 2%/năm.

Dẫn giải nguyên do đề xuất đưa lãi suất tiền giử giảm sâu, Hiệp hội này cho rằng: “Ai cũng biết rằng nếu lãi suất huy động VND ở mức thấp (1%/năm) thì có nhiều ý nghĩa với kinh tế Việt Nam, nhưng cứ như hiện nay (không có nhiều giải pháp cơ bản thúc đẩy hạ lãi suất) thì mục tiêu đưa lãi suất VND về mức 3% hay 2%/năm chỉ là xa vời và không bao giờ đạt được. Để đưa lãi suất VND về mức không quá 1%/năm như các nước trong khu vực thì NHNN, Bộ Tài chính phải cầu thị, phải học hỏi kinh nghiệm thế giới và phải xây dựng 1 hệ thống giải pháp tài chính tiền tệ. VAFI nhận thấy rằng nền kinh tế Việt Nam có thừa khả năng để đạt được mục tiêu đó”.

Lãi suất tiền gửi VND sẽ xuống mức 1%/năm?
Lãi suất tiền gửi VND sẽ xuống mức 1%/năm?


Để đưa lãi suất tiền gửi VND về mức 1%/năm, trong các giải pháp mà VAFI gửi tới Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh tới việc cải tổ hệ thống hàng thương mại hiện nay.

“Chỉ duy trì khoảng 15 ngân hàng TMCP nội địa bằng con đường kiên quyết cho giải thể, phá sản những ngân hàng cực kỳ yếu kém, không để những ngân hàng yếu kém phá vỡ kỷ cương trật tự trong công tác huy động vốn, công tác tín dụng… Cùng với đó, khuyến khích vài ngân hàng nước ngoài ở vị thế ngân hàng toàn cầu mua nhiều tổ chức tín dụng yếu kém, có lẽ đây là con đường dễ dàng mà ít gặp trở ngại đồng thời được đa số cổ đông trong ngân hàng yếu kém ủng hộ”, VAFI gợi ý.

Cũng theo VAFI, NHNN cần tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng lên mức 49% (có chọn lọc những đối tác chiến lược) nhằm tạo thuận lợi xóa bỏ tình trạng cổ đông cá nhân hay nhóm cổ đông cá nhân thâu tóm lũng đoạn ngân hàng và tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng thương mại dễ dàng huy động vốn từ đó có điều kiện giảm được lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua không hạn chế cổ phần phổ thông không có quyền biểu quyết nhằm giúp các ngân hàng dễ dàng huy động được vốn;

Đặc biệt, NHNN cần phải thay đổi cơ cấu cổ đông hiện nay trong hệ thống ngân hàng thương mại theo hướng tỷ lệ cổ phần của cổ đông chiến lược, cổ đông tổ chức nắm đa số và giảm tỷ lệ cổ phần nhà nước trong các ngân hàng thương mại Nhà nước. “Trong đó có thể chuyển cổ phần đa số của BIDV, Vietcombank, VietinBank, MHB về SIIC quản lý nhằm chấm dứt tình trạng NHNN vừa đá bóng vừa thổi còi và NHNN chỉ thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng mà thôi. VAFI chưa thấy có nước nào mà NHNN đứng ra là làm đại diện cho cổ đông nhà nước”, VAFI thẳng thắn đề xuất.

Ngoài ra, VAFI cho hay, NHNN cần chấm dứt tình trạng những lãnh đạo NHNN (hàm vụ trưởng, vụ phó) chưa bao giờ làm ở doanh nghiệp, không có thành tích trong quản lý doanh nghiệp nhưng lại được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị, thậm chí là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc tại các tổ chức tài chính do NHNN quản lý. Chúng ta cần phải biết rằng Chức danh Chủ tịch hay Tổng giám đốc của tổ chức tài chính lớn hoạt động thực sự hiệu quả chính là linh hồn của doanh nghiệp, là người kiến tạo và trực tiếp tổ chức thực hiện chiến lược quản trị doanh nghiệp, chứ không phải như mấy vị quản lý nhà nước đi xuống doanh nghiệp mà không có kinh nghiệm, “không biết làm cỗ” nhưng lại được trao cho quyền lực rất lớn và điều đó sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý vốn nhà nước trong doanh nghiệp;

Góp ý với Bộ Tài chính, VAFI nhấn mạnh tới việc phải kiểm soát được giá đất, phải bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và không để tái diễn những đợt sốt đất xảy ra trong tương lai bằng việc ban hành Luật thuế tài sản và phải đẩy mạnh thị trường chứng khoán.

“NHNN cần chú trọng phát triển thị trường trái phiếu trong nước theo hướng giảm nợ công hay giảm số vốn huy động của chính phủ qua kênh phát hành trái phiếu chính phủ; Kích thích hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa để phát hành trái phiếu dài hạn với lãi suất thấp”.

Muốn vậy, theo VAFI phải miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong kinh doanh trái phiếu, biện pháp này nhằm giảm lãi suất huy động xuống khoảng 4%/năm. Và quan trọng, “lãi suất huy động phải thấp thì hệ thống ngân hàng hay doanh nghiệp mới quan tâm tới phát hành trái phiếu, còn nếu lãi suất huy động cao thì họ không phát hành và sẽ dẫn tới hệ quả là huy động vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn và nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì khó mà thực hiện việc giảm sâu mặt bằng huy động vốn”.

Nguyễn Hiền