Vạch ra một loạt vi phạm ở "siêu" dự án cấp nước hơn 230 triệu USD

(Dân trí) - Kiểm toán Nhà nước vừa công bố báo cáo kiểm toán hoạt động dự án cấp nước và nước thải đô thị có tổng mức đầu tư lên tới hơn 230 triệu USD. "Đại" dự án này được chia ra làm 2 hợp phần, tại hợp phần 1 có tới 14 dự án nằm tại 10 tỉnh.


Tổng mức đầu tư cho 14 dự án thành phần tại hợp phần 1 lên tới 232,38 triệu USD, trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới là 197 triệu USD, vốn đối ứng là 35,38 triệu USD.

Tổng mức đầu tư cho 14 dự án thành phần tại hợp phần 1 lên tới 232,38 triệu USD, trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới là 197 triệu USD, vốn đối ứng là 35,38 triệu USD.

Điều chỉnh tổng mức đầu tư, lựa chọn nhà thầu chưa đạt yêu cầu

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo về việc kiểm toán hoạt động dự án cấp nước và nước thải đô thị. Theo đó, báo cáo đã chỉ ra một loạt vi phạm trong việc đầu tư xây dựng, thực hiện các tiểu dự án thành phần.

Báo cáo cho biết, dự án cấp nước và nước thải đô thị gồm hai hợp phần: hợp phần 1 đầu tư và thực thi dự án; hợp phần 2 là hỗ trợ kỹ thuật.

Hợp phần 1 được chia thành hợp phần 1A và 1B. Hợp phần 1A gồm 7 tiểu dự án cấp nước tại 7 đô thị thuộc 7 tỉnh: thị xã Uông Bí (Quảng Ninh), thành phố Ninh Bình (Ninh Bình), thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) khu công nghiệp và đô thị Mỹ Phước (Bình Dương) thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) và huyện Phú Quốc (Kiên Giang).

Hợp phần 1B gồm 7 tiểu dự án thoát nước và vệ sinh môi trường tại 7 đô thị thuộc 7 tỉnh: thành phố Ninh Bình (Ninh Bình), thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa), thị xã Thái Hòa (Nghệ An), thành phố Đông Hà (Quảng Trị), thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), thị xã Đồng Xoài (Bình Phước).

Tổng mức đầu tư cho 14 dự án thành phần tại hợp phần 1 nói trên là 232,38 triệu USD, trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới là 197 triệu USD, vốn đối ứng là 35,38 triệu USD.

Còn tổng mức đầu tư hợp phần 2 do Bộ Xây dựng thực hiện là 2,35 triệu USD, vốn vay Ngân hàng Thế giới là 1,8 triệu USD, vốn đối ứng là 0,55 triệu USD; tổng vốn các dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện là 1,46 triệu USD, trong đó vốn vay WB là 1,2 triệu USD và vốn đối ứng là 0,26 triệu USD.

Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, công tác lập, kiểm định, phê duyệt và điều chỉnh tổng mức đầu tư của các dự án còn phải điều chỉnh, nguyên nhân chủ yếu là do chưa lường trước được các chi phí lãi vay, tỷ giá thay đổi.

Cụ thể, các tiểu dự án cấp thoát nước tại Đà Lạt, Uông Bí, Mỹ Phước, Ninh Bình, Bỉm Sơn, Phú Quốc lập thiếu chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng và các chi phí cần thiết khác.

Việc chưa tính toán cụ thể chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá (tạm lấy 10%), tính chi phí ban quản lý dự án trong tổng mức đầu tư là chưa phù hợp với với quy định.

Ngoài ra, công tác khảo sát, thiết kế cơ sở chưa sát thực tế dẫn tới lhi thực hiện phải điều chỉnh, làm thay đổi tổng mức đầu tư. Cụ thể, việc thực hiện công tác khảo sát, cập nhật chưa sát hiện trạng, địa chất địa hình dẫn đến thực tế nền móng hiện trạng của nhiều hạng mục, gói thấu điều chỉnh thi công trên nền đá, hoặc nền bê tông thay cho nền đất như thiết kế ban đầu.

Nhà thầu trúng thầu chưa đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu về kinh nghiệm thi công gói thầu tương tự. Thực tế trong hồ sơ dự thầu nhà cung cấp 6 hợp đồng đã thực hiện, nhưng chỉ có 1 hợp đồng là đạt yêu cầu.

Chế độ quản lý tài chính thiếu sót, chậm tiến độ

Về công tác nghiệm thu, thanh quyết toán, Kiểm toán Nhà nước cho biết còn tồn tại khi nghiệm thu, thanh toán sai khối lượng với số tiền hơn 3 tỷ đồng, sai đơn giá số tiền gần 8,8 tỷ đồng; do chưa đủ điều kiện nghiệm thu, thanh toán số tiền hơn 8,8 tỷ đồng.

Chủ đầu tư và đơn vị thông chưa thực hiện điều chỉnh giá theo quy định hợp đồng tại các tiểu dự án Tam Kỳ (Quảng Nam) và Bỉm Sơn (Thanh Hoá).

Kiểm toán Nhà nước cho biết, nhìn chung các gói thầu thuộc các tiểu dự án thực hiện cơ bản đảm bảo tiến độ theo hợp đồng và phụ lục hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc tồn tại khi tiến độ chung của tiểu dự án Ninh Bình đã chậm gần 2 năm do thủ tục chuẩn bị đầu tư ban đầu bị kéo dài.

Còn gói thầu thuộc tiểu dự án thoát nước Đà Lạt chậm 20 tháng so với hợp đồng gốc. Nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ ngoài yếu tố khách quan còn do năng lực tổ chức thi công nhà thầu còn hạn chế, bố trí nhân lực và máy móc thiếu so với yêu cầu. Đến nay chủ đầu tư và nhà thầu vẫn chưa làm rõ trách nhiệm để có biện pháp phạt chậm tiến độ.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra việc chấp hành chế độ quản lý tài chính kế toán của các dự án còn nhiều hạn chế như chưa thực hiện theo dõi riêng đối với lãi tiền gửi từ tài khoản cấp 2 mà hạch toán vào doanh thu tài chính của đơn vị là chưa phù hợp với Thông tư 218 của Bộ Tài chính.

Đơn vị hoàn thuế VAT, khấu trừ thuế VAT vào hoạt động sản xuất kinh doanh đối với phần thuế VAT do ngân sách cấp phát để thanh toán cho các nhà thầu là không đúng quý định. Tổng số tiền không đúng là 18,8 tỷ đồng tại tiểu dự án Đà Lạt và tiểu dự án Uông Bí.

Theo dõi hoạch toán thiếu trên tài khoản 241 chi phí đầu tư xây dựng cơ bản chi phí gói thầu BSW với số tiền là 856 triệu đồng tại tiểu dự án Mỹ Phước…

Hàng loạt kiến nghị "gỡ" bất cập

Sau khi chỉ ra một loạt bất cập, Kiểm toán Nhà nước đề nghị các chủ đầu tư và ban quản lý dự án được kiểm toán cần điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán theo quyết định của Kiếm toán Nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý về tài chính 94 tỷ đồng. Trong đó, xử lý về tài chính báo cáo quyết toán dự án là 74,2 tỷ đồng; nộp trả quỹ hoàn thuế VAT 18,8 tỷ đồng, thu hồi vốn ngân sách địa phương bố trí đối ứng không đúng quy định theo quyết định phê duyệt dự án 1 tỷ đồng.

Đối với công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Lâm Đồng, Kiểm toán Nhà nước đề nghị thực hiện lập, phê duyệt các hồ sơ pháp lý đối với giá trị chưa đủ điều kiện thanh quyết toán; phối hợp nhà thầu và tư vấn giám sát xác định rõ nguyên nhân chậm tiến độ gói thầu để xử lý theo quy định.

Đồng thời phối hợp các đơn vị có liên quan khắc phục đẩy nhanh tiến độ, mở rộng công tác đấu nối đưa các tiểu dự án thoát nước vào vận hành khai thác đạt được mục tiêu, tiến độ dự án.

Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Công ty Cổ phần nước sạch Quảng Ninh hoàn trả ngân sách Nhà nước 1 tỷ đồng. Công ty TNHH Cấp thoát nước Kiên Giang đàm phán nhà thầu thi công điều chỉnh giá hợp đồng gói thầu PQWS - 03 làm cơ sở quyết toán hoàn thành với số tiền chưa đủ điều kiện quyết toán là 2,4 tỷ đồng.

Đối với Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Định, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu làm việc với các ngân hàng để làm rõ chênh lệch trong ghi nhận nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới và là căn cứ để xác định nguồn vốn, chi phí lãi vay dự án.

Đối với Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Định, Kiểm toán Nhà nước cũng yêu cầu làm việc với Ngân hàng Phát triển Ninh Bình để làm rõ các chênh lệch trong việc ghi nhận nguồn vốn vay của WB và là căn cứ để xác định chính xác nguồn vốn, chi phí lãi vay của dự án.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị các công ty nước các tỉnh, các ban quản lý dự án chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra các thiếu sót, hạn chế trên.

Nguyễn Khánh

Vạch ra một loạt vi phạm ở "siêu" dự án cấp nước hơn 230 triệu USD - 2