Vắc xin "thổi bay" thành quả của nhiều tỷ phú thời Covid

(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 đã mang đến những cơ hội kiếm tiền lớn và nhanh chóng cho ngành chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, khi vắc xin Covid-19 được triển khai thì cơ hội đó cũng nhanh chóng mất đi.

Vắc xin thổi bay thành quả của nhiều tỷ phú thời Covid - 1

Tài sản ròng của nhà sáng lập Top Glove - Lim Wee Chai và gia đình đã bị bốc hơi 2,2 tỷ USD kể từ tháng 10 năm ngoái. (Ảnh: Bloomberg)

Seegene Inc (nhà sản xuất bộ kit thử Covid 19) và Alteogen Inc (công ty công nghệ sinh học sở hữu công nghệ tiêm thử nghiệm dưới da) là hai ví dụ điển hình nhất. Năm ngoái, khi đại dịch bắt đầu, những người sáng lập của hai công ty này đã nhanh chóng trở thành tỷ phú nhờ cổ phiếu công ty tăng mạnh.

Tuy nhiên, theo Bloomberg Billionaires Index, vài tháng gần đây, khi vắc xin Covid-19 được triển khai, giá cổ phiếu của cả hai công ty giảm hơn 41%, danh hiệu tỷ phú của họ cũng mất theo.

Tương tự như vậy với nhà sản xuất găng tay ở Malaysia, nơi sản sinh ít nhất 8 tỷ phú trong tháng 8 năm ngoái khi cuộc khủng hoảng sức khỏe ngày càng tồi tệ hơn làm gia tăng nhu cầu về đồ bảo hộ. Bất chấp sự phục hồi ngắn ngủi về doanh số bán lẻ vào tháng trước, giá cổ phiếu của công ty này vẫn giảm ít nhất 40% kể từ mức đỉnh, xóa sổ hơn 9 tỷ USD tài sản ròng của những người sáng lập.

Trong khi các tỷ phú của các nhà sáng chế vắc xin như Pfizer Inc, BioNTech SE, hay Moderna Inc vẫn duy trì được thành quả của mình thì tài sản của nhiều tỷ phú khác trong lĩnh vực y tế đều "bốc hơi" nhanh chóng.

Điều này cho thấy vận may có thể đảo chiều nhanh chóng đến mức nào trong một thị trường mà có những cổ phiếu biến động đến hơn 20%/ngày trong nhiều ngày.

Một số nhà sáng lập đã kịp tận dụng sự biến động này để chốt lời nhưng cũng có một số người tranh thủ mua vào khi giá giảm để tăng quyền kiểm soát.

"Có vẻ như của cải được tạo ra từ sự bùng nổ đột ngột về nhu cầu - chẳng hạn như với kit thử hoặc công nghệ sinh học - khó có thể tiếp tục gia tăng khi tình hình ổn định hơn", ông Park Ju-gun, Chủ tịch công ty giám sát doanh nghiệp CEOScore nhận xét.

Covid-19 xuất hiện và lây lan nhanh chóng trên toàn cầu tạo ra nhu cầu cấp thiết đối với bộ kit thử Covid-19, đồ bảo hộ và các phương pháp điều trị bệnh dịch. Các công ty như Seegene, Alteogen và Top Glove đã nhanh chóng nhập cuộc.

Seegene phát triển bộ kit thử virus corona vào cuối tháng 1 năm ngoái. Trong khi Alteogen cấp phép cho công nghệ tiêm cho phép bệnh nhân tự sử dụng thuốc. Nhà sản xuất găng tay cao su lớn nhất thế giới nâng công suất sản xuất đồ bảo hộ từ mức 91 tỷ bộ/năm hiện nay lên 110 tỷ bộ/năm vào tháng 12.

Vắc xin thổi bay thành quả của nhiều tỷ phú thời Covid - 2

Các nhà sản xuất găng tay cao su được hưởng lợi lớn nhờ đại dịch (Ảnh: Bloomberg)

Năm ngoái, các cổ phiếu của các công ty này đều tăng ít nhất là 500% khi đạt đỉnh. Cá biệt, cổ phiếu Seegene tăng hơn 919% trong tháng 8/2020 khi nhu cầu về bộ kit thử tăng mạnh. Thậm chí, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in còn đích thân đến thăm trụ sở của Seegene sau khi ông Trump nhờ nước này hỗ trợ thiết bị y tế.

"Tôi chưa bao giờ cảm thấy áp lực như vậy trong cuộc đời mình", người sáng lập Seegene - ông Chun Jong-yoon cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 6 năm ngoái.

Nhưng việc triển khai vắc xin Covid-19 đã làm hãm đà tăng của các cổ phiếu trên. Mặc dù doanh thu của Seegene tăng hơn 10 lần trong năm 2020 và Alteogen gấp đôi trong quý 3/2020 thì giá cổ phiếu của các công ty này vẫn đi xuống. Giới đầu tư lo ngại mức tăng trưởng ấn tượng đó khó có thể duy trì khi có vắc xin.

Cổ phiếu Seegene giảm khiến 31% cổ phần mà ông Chun và gia đình đang nắm giữ hiện chỉ còn 840 triệu USD, giảm mạnh so với mức 1,6 tỷ USD năm ngoái. Trong khi đó, 25% cổ phần tại Alteogen của ông Park Soon-jae cũng giảm mạnh từ mức đỉnh 1,4 tỷ USD xuống còn 830 triệu USD.

Cổ phiếu của các nhà sản xuất găng tay, chủ yếu ở Malaysia, trở thành tâm điểm của những người bán khống ngay sau khi quốc gia này dỡ lệnh cấm bán khống vào đầu năm nay.

Tài sản ròng của nhà sáng lập Top Glove - Lim Wee Chai và gia đình đã bị bốc hơi 2,2 tỷ USD kể từ tháng 10 năm ngoái. Tương tự, ông Thai Kim Sim của Supermax Corp, ông Kuan Kam Hon của Hartalega Holding và ông Lim Kuang Sia của Kossan Rubber Industries… cũng lần lượt bị bốc hơi 1,2 tỷ USD giá trị tài sản.

Thậm chí ông Wong Teek Son của Riverstone Holding không còn nằm trong danh sách tỷ phú đô la.

Cổ phiếu của một số công ty công nghệ sinh học và thiết bị y tế của Trung Quốc - nơi sản sinh ra hàng loạt tỷ phú mới sau khi đại dịch bùng phát - cũng đang lao dốc, bao gồm nhà sản xuất băng gạc và khẩu trang phẫu thuật Allmed Medical Products và Công ty công nghệ sinh học Guangzhou Wondfo Biotech.