Người giàu nhất Singapore kiếm được 3,5 tỷ USD nhờ sản xuất máy thở

(Dân trí) - Khi đại dịch coronavirus phá hủy các nền kinh tế, ba nhà sáng lập của một công ty sản xuất máy thở đã thêm 7 tỷ đô la vào tài sản của họ trong năm nay.

Người giàu nhất Singapore kiếm được 3,5 tỷ USD nhờ sản xuất máy thở - 1

Cổ phiếu của Công ty thiết bị Điện tử Y tế Thâm Quyến - Mindray đã tăng 40%, được thúc đẩy bởi nhu cầu gia tăng đối với các thiết bị ý tế. Đại dịch Covid-19, căn bệnh do virus Corona gây ra, đã khiến các bệnh viện trên toàn thế giới gặp khó khăn với hàng loạt những bệnh nhân khó thở.

Chủ tịch Li Xiting, một công dân Singapore và là người giàu nhất thành phố, đã thêm 3,5 tỷ USD vào tài sản ròng của mình trong năm nay và có khối tài sản 12,5 tỷ USD vào cuối ngày thứ Năm, theo chỉ số Bloomberg Billionaires. Điều đó biến ông thành một trong số năm người có giá trị tài sản tăng nhiều nhất trên thế giới trong năm. Jeff Bezos - người giàu nhất thế giới - tăng 3,4 tỷ USD tài sản, trong khi Bill Gates giảm 15,3 tỷ USD.

Cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu đã khiến nguồn cung máy thở tăng cao vì các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần số lượng lớn máy thở cho các bệnh nhân bị bệnh nặng. Các công ty từ Ford Motor Co. đến General Motors Co. đều đổ xô vào để giúp tăng cường sản xuất sản máy thở.

Thư ký hội đồng quản trị của công ty Mindray, Li Wenmei nói rằng nhu cầu toàn cầu tăng ít nhất gấp 10 lần so với trước đó. Trong khi đó, “New York chỉ còn sáu ngày nữa là cạn kiệt nguồn cung”, theo Thống đốc tiểu bang Andrew Cuomo.

Số người chết trên toàn thế giới đã vượt quá 52.000, trong khi số ca nhiễm đã lên tới 1 triệu. Ý và Tây Ban Nha bị tác động nặng nề nhất ở châu Âu, và căn bệnh này cũng đã lan nhanh trên khắp Mỹ, nơi Tổng thống Donald Trump cảnh báo việc có khả năng có 100.000 người chết trở lên.

Hiệp hội chăm sóc sức khỏe Y học ước tính rằng 960.000 bệnh nhân sẽ cần hỗ trợ máy thở ở Mỹ, nhưng quốc gia này chỉ có khoảng 200.000 máy. Tại Ý, quốc gia có số người tử vong nhiều nhất, tình trạng thiếu máy thở nghiêm trọng đã buộc các bác sĩ phải phân loại các bệnh nhân được sử dụng máy thở.

Cho đến cuối tháng trước, máy thở của Mindray đã không được sự chấp thuận ở thị trường Mỹ, nhưng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cho phép sử dụng chúng theo một quy tắc khẩn cấp được thiết kế để giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt. Động thái đó cũng đã thúc đẩy triển vọng của Mindray.

“Sự ủy quyền đó là cơ hội cho các sản phẩm máy thở của Trung Quốc nhanh chóng thâm nhập thị trường Mỹ”, nhà phân tích Tian Jiaqiang tại Citic Securities Co. đã viết trong một ghi chú nghiên cứu trong tuần này.

Mindray, công ty sản xuất 3.000 máy thở mỗi tháng, không phải là nhà sản xuất máy thở duy nhất tại Trung Quốc. Công ty Aeonmed của Bắc Kinh cũng đã nhận được ủy quyền của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm vào tháng trước, theo trang web của cơ quan quản lý. Cổ phiếu của Công ty Cung ứng & Thiết bị Y tế Giang Tô Yuyue, một nhà sản xuất khác, đã tăng 91% trong năm nay tại Thâm Quyến, nâng giá trị thị trường của nó lên 5,5 tỷ USD.

Đối thủ khổng lồ

Và Mindray, với giá trị vốn hóa thị trường là 44 tỷ USD, tuy vẫn đang bị lấn át bởi những gã khổng lồ về thiết bị y tế như Medtronic Plc có trụ sở tại Dublin, nhưng công ty Trung Quốc có tiềm năng mở rộng thị phần rất lớn, theo Nikkie Lu, nhà phân tích của Bloomberg Intelligence cho biết.

Theo bà, “Mindray có tiềm năng rất lớn, với việc các sản phẩm của họ có thể thâm nhập vào các thị trường như Châu Âu và Hồng Kông”.

Trong một hồ sơ thu nhập trong tuần này, Mindray cho biết các đơn đặt hàng từ châu Âu đã tăng lên đáng kể, với việc nước Ý đã mua lô đầu tiên gần 10.000 thiết bị bao gồm máy thở và màn hình y tế.

Công ty, có 17 công ty con tại Trung Quốc và hoạt động tại 30 quốc gia, chế tạo các hệ thống theo dõi sức khỏe, máy thở, máy khử rung tim, máy gây mê và hệ thống truyền dịch. Công ty có một đội ngũ bán hàng trực tiếp tại Mỹ và các đối tác toàn cầu lâu năm bao gồm Mayo Clinic, Bệnh viện Johns Hopkins, Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và Phòng khám Cleveland, theo báo cáo hàng năm.

Không phải mãi mãi

Sự giàu có gia tăng của Chủ tịch Mindray Li, người thành lập công ty vào năm 1991 cùng với Xu và Cheng, tương phản với sự xói mòn giá trị ròng của các gã khổng lồ khác ở châu Á. Li Ka-shing, người giàu nhất Hồng Kông, đã mất 7,1 tỷ đô la trong năm nay khi thành phố bị cuốn trong một cuộc suy thoái từ cơn lốc đôi của đại dịch và các cuộc biểu tình chính trị năm ngoái. Singapore báo cáo sự suy giảm kinh tế lớn nhất trong một thập kỷ trong quý đầu tiên, và dự kiến ​​một cuộc suy thoái nghiêm trọng trong năm nay.

“Sự bùng nổ của thị trưởng máy thở dĩ nhiễn không phải mãi mãi”, Lu cho biết. “Khi xã hội già đi, nhu cầu đối với các thiết bị hỗ trợ hô hấp sẽ tăng lên, nhưng quy mô được thấy trong cuộc khủng hoảng này dĩ nhiên chỉ là cá biệt”, bà nói.

“Doanh số bán hàng chắc chắn sẽ giảm sau khi hết dịch”, bà này nói.

Thùy Dung

Theo Bloomberg