1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ủy ban Tài chính Ngân sách: Cải cách tiền lương từ giữa 2022 khó khả thi

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Đối với đề xuất về cải cách tiền lương, lãnh đạo Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy, căn cứ tình hình dịch bệnh hiện nay, việc thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2022 là khó khả thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đã cho biết như trên khi trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2022-2024 tại Quốc hội chiều nay (20/10).

Cụ thể về điều hành ngân sách Nhà nước năm 2021, Chính phủ đề xuất sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời cho phép kéo dài kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 sang năm 2022 và bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam.

Trước đề xuất trên, ông Nguyễn Phú Cường cho biết Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản nhất trí với các đề xuất này. Tuy nhiên, đề nghị việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương phải đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả và có thời hạn sử dụng cụ thể.

Ủy ban Tài chính Ngân sách: Cải cách tiền lương từ giữa 2022 khó khả thi - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra trước Quốc hội (Ảnh: QH)

Đối với bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam, Ủy ban Tài chính Ngân sách đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc lập dự toán để bảo đảm tính chắc chắn, khả thi, hạn chế tối đa việc điều chỉnh dự toán.

Về dự toán NSNN năm 2022, đối với đề xuất về cải cách tiền lương, ông Cường cho biết Ủy ban Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy, căn cứ tình hình dịch bệnh hiện nay, việc thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2022 là khó khả thi.

Theo đó, Ủy ban nhất trí với phương án Chính phủ trình. Để có điều kiện cho việc triển khai trong những năm tiếp theo, Ủy ban Tài chính Ngân sách đã đề nghị Chính phủ tính toán, chú trọng hơn nữa việc cân đối nguồn lực để bảo đảm thực hiện Nghị quyết 27, góp phần bảo đảm đời sống người hưởng lương, nhất là đối tượng có mức lương thấp.

Còn đối với đề xuất về tỷ lệ điều tiết, ông Cường đã đề nghị tiếp tục bám sát tình hình thực tế, trên cơ sở đó, xây dựng phương án tỷ lệ điều tiết phù hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Ngoài ra, để bảo đảm hỗ trợ nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế của một số địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của đại dịch Covid-19, đề nghị Chính phủ điều chỉnh tỷ lệ điều tiết trong năm 2022 ở mức hợp lý.

Trước đó, ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, cải cách tiền lương là vấn đề quan trọng, tác động đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức. Từ tháng 5/2018, hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đã thông qua Nghị quyết 27 cải cách chính sách tiền lương. Thời gian bắt đầu thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2021.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, tại hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã quyết định lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương đến 1/7/2022, thay vì năm 2021. Mới đây, tại hội nghị 4 khóa XIII, Trung ương tiếp tục đồng tình lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII.

"Nguồn lực đầu tư cho phát triển, cho an sinh xã hội, chăm lo cho người dân đang cần hơn. Do vậy, cán bộ, công chức cũng sẵn sàng đồng thuận theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương đến thời điểm thích hợp", ông Bùi Văn Cường nói.

Trao đổi thêm với báo chí về vấn đề trên, ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, đến thời điểm này chúng ta đã "lỡ hẹn" việc cải cách tiền lương. "Trung ương vừa rồi cũng đề cập đến việc dời cải cách tiền lương không thời hạn", ông Phong nói.

Theo ông Phong, thực hiện Nghị quyết 27, chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ các giải pháp tạo nguồn lực cải cách tiền lương như cơ cấu thu ngân sách để đảm bảo nguồn thu bền vững để có nguồn cải cách tiền lương; thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước, trong đầu tư xây dựng cơ bản; tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên hàng năm…

"Chúng ta thấy, cả nước đang "thắt lưng buộc bụng" lo phòng chống dịch, chờ cơ hội để phục hồi kinh tế. Tôi cho rằng, chỉ đạo của Trung ương lùi thời điểm cải cách tiền lương là phù hợp. Bởi lẽ các điều kiện cần và đủ chuẩn bị chưa đáp ứng được", ông Phong nêu quan điểm.