USD tăng lãi suất nhưng vẫn thua VND
Do lãi suất đầu ra tăng, các ngân hàng nâng lãi suất huy động ngoại tệ để người gửi tiền trong nước đỡ bị thiệt và để chênh lệch lãi suất giữa thị trường Việt Nam và quốc tế không quá lớn. Trên thực tế, cho dù lãi suất tiết kiệm ngoại tệ tăng, tiền đồng vẫn đang ở vị thế hơn hẳn so với USD.
Một số ngân hàng thương mại lại vừa nâng lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ lên khoảng 0,3%-0,4%/năm tất cả các kỳ hạn. Tỷ giá tiền đồng và đô la Mỹ cũng đã vượt mốc 15.900 đồng/USD (thị trường tự do tỷ giá khoảng 15.920-15.930 đồng/USD). Nhưng mức tăng của lãi suất và tỷ giá chưa đủ sức hấp dẫn để người tiêu dùng chuyển từ gửi tiết kiệm tiền đồng sang gửi ngoại tệ.
Ngân hàng đi trước đón đầu
Hầu hết các ngân hàng đều nói nguyên nhân chủ yếu khiến nâng lãi suất tiền gửi ngoại tệ là do Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED chuẩn bị nâng lãi suất đô la lên 4%/năm từ mức 3,75%/năm hiện nay (đây là lãi suất FED cho các ngân hàng vay).
Do thị trường tiền tệ trong nước đã gần như liên thông với thị trường quốc tế nên khi lãi suất USD trên thị trường thế giới tăng, lãi suất USD ở Việt Nam cũng tăng theo. Mặt khác, trong hai tuần vừa qua, lãi suất Sibor tăng cao (lãi suất liên ngân hàng Singapore). Sibor được coi là một trong những chuẩn mực để ngân hàng trong nước xem xét lãi suất, nên Sibor tăng, kéo theo sự gia tăng lãi suất của các ngân hàng Việt Nam. Thông thường các ngân hàng Việt Nam cho vay ngoại tệ theo lãi suất Sibor+ (cộng) 2%/năm. Lãi suất vay USD hiện tại dao động trong khoảng 6% - 6,5%/năm tuỳ kỳ hạn.
Do lãi suất đầu ra tăng, các ngân hàng nâng lãi suất huy động ngoại tệ để người gửi tiền trong nước đỡ bị thiệt và để chênh lệch lãi suất giữa thị trường Việt Nam và quốc tế không quá lớn.
Ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc Ngân hàng ACB nói: “Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất USD. Các ngân hàng Việt Nam tăng lãi suất tiền gửi ngoại tệ trước để đón đầu và tăng từ từ để người vay cũng như người gửi tiền khỏi sốc. Một vài ngân hàng tăng lãi suất thì các ngân hàng khác cũng tăng theo”.
Tuy nhiên cũng có những ngân hàng nâng lãi suất USD để thực hiện chiến lược kinh doanh phù hợp hơn. Ông Nguyễn Phước Thanh, phó tổng giám đốc Vietcombank nhận định: “Lãi suất USD tăng, các doanh nghiệp sẽ vay ngoại tệ ít đi hoặc chuyển sang vay ngắn hạn. Trong khi đó lãi suất trên thị trường tài chính quốc tế tăng, ngân hàng có thể tận dụng cơ hội đầu tư ra nước ngoài”.
Đầu tư ra nước ngoài ở đây là các ngân hàng Việt Nam gửi tiền ở ngân hàng nước ngoài. Vietcombank TPHCM hiện là một ngân hàng huy động ngoại tệ tương đối khá. Trong khi huy động ngoại tệ của các ngân hàng khác chỉ chiếm 1/3 tổng vốn huy động, thì ở Vietcombank TPHCM vốn huy động ngoại tệ cao hơn tiền đồng. Một khi vốn huy động trong nước chưa cho vay hết được, việc gửi tiền ở ngân hàng nước ngoài nhằm tối đa hoá lợi nhuận sẽ diễn ra.
Tiền đồng vẫn hơn
Trên thực tế, cho dù lãi suất tiết kiệm ngoại tệ tăng, tiền đồng vẫn đang ở vị thế hơn hẳn so với USD, nhìn từ góc độ người gửi tiền. Lãi suất tiết kiệm tiền đồng ở các kỳ hạn vẫn còn cao hơn lãi suất tiền gửi ngoại tệ 4% - 5%/năm. Tỷ giá ngoại hối dù có tăng, nhưng rất chậm.
Thống kê của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TPHCM cho thấy từ đầu năm đến nay, tỷ giá chỉ tăng 0,73% và hết năm sẽ không quá 1%. Từ nay đến cuối năm, theo dự đoán của chúng tôi, tốc độ tăng tỷ giá sẽ vẫn tiếp tục chậm do Ngân hàng Nhà nước theo đuổi chính sách kiềm chế lạm phát và nguồn cung ngoại tệ sẽ dồi dào hơn do kiều hối về nhiều.
Chín tháng đầu năm nay lượng kiều hối chuyển về qua các ngân hàng ở TPHCM là 1,65 tỉ USD và cả năm có thể đạt 2,2 tỉ USD (so với 1,8 tỉ USD của năm 2004). Dự báo kiều hối chuyển về Việt Nam năm nay có thể vượt mức 3,5 tỉ USD.
Đối với doanh nghiệp, vay ngoại tệ hiện nay không có lợi bằng vay ngoại tệ ba tháng trước, nhưng so với vay tiền đồng thì vay USD vẫn có lợi hơn. Ngay cả trong trường hợp Mỹ tăng lãi suất đồng tiền của họ lên mức đang được giới tài chính phỏng đoán là 4,25% vào cuối năm và lãi suất Sibor vượt mức 5%/năm, thì lãi suất cho vay USD của các ngân hàng trong nước cũng chỉ khoảng 7%/năm.
Cộng cả mức trượt giá, lãi suất vay ngoại tệ vẫn thấp hơn lãi suất vay tiền đồng từ 3% đến 5%/năm.
Theo Hải Lý
Báo SGTT