Ứng tiền trước mua nhà phải theo luật Nhà ở

(Dân trí) - Việc ứng tiền trước của người mua nhà được áp dụng theo điều 39 luật Nhà ở đã không nhận được sự đồng tình của cả phía người mua và người bán. Trao đổi với Dân trí đại diện Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) cho rằng luật không có gì là "lạc hậu".

>> Đặt cọc mua nhà: Mỗi luật 1 kiểu!

Điều chỉnh theo luật Nhà ở là đúng

Theo ông Lê Cao Tuấn - trưởng phòng Quản lý Bất động sản (BĐS), Cục Quản lý nhà thì việc ứng tiền trước của người mua nhà phải theo quy định của điều 39 luật Nhà ở.

Cơ sở để điều chỉnh chính là điều 3 luật Nhà ở quy định: "Trường hợp có sự khác nhau giữa luật này (Luật nhà ở) với pháp luật có liên quan về sở hữu nhà ở, quản lý việc sử dụng, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở thì áp dụng quy định của luật này".

Bên cạnh đó, điều 4 Nghị định 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật Kinh doanh BĐS thì: "Việc ứng tiền trước phải được thực hiện nhiều lần. Lần đầu chỉ được huy động khi chủ đầu tư đã bắt đầu triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo tiến độ và nội dung của dự án đã được phê duyệt.

Đối với các dự án khu nhà ở thì ngoài việc phải thực hiện các quy định nêu trên còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở".

Bởi vậy theo quan điểm của Cục Quản lý nhà, nếu giao dịch BĐS là nhà ở thì luật Kinh doanh BĐS yêu cầu phải thực thi theo quy định của luật Nhà ở. Và việc giải quyết vấn đề giao thoa giữa hai luật là nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

Đừng đổ lỗi cho luật Nhà ở làm tăng giá

Những cảnh báo của một số doanh nghiệp kinh doanh BĐS về giá BĐS sẽ tăng đã khiến những khách hàng được trả lại tiền ứng trước trở nên lo lắng hơn bao giờ hết.

Họ lo cũng đúng bởi nếu giá tăng, sẽ có những người không có khả năng mua được nhà hoặc nếu mua sẽ phải trả thêm khá nhiều tiền. Và mọi chuyện lúc này dường như lại xoay quanh vào quy định của điều 39 của luật Nhà ở.

Ông Phạm Văn Thường, cán bộ phòng quản lý BĐS khẳng định, luật Nhà ở có hiệu lực từ 1/7/2006 nhưng lúc đó đã không gây biến động trên thị trường. Song mấy tháng gần đây tại một số thành phố lớn, thị trường BĐS mới có sự biến động về giá nhà ở. Do đó, việc giá nhà tăng là do nhiều nguyên nhân chứ không phải do quy định của điều 39 luật Nhà ở.

Cũng theo ông Thường, một trong những lý do chính khiến giá BĐS tăng là do tiến độ các dự án về nhà ở khá chậm. Bởi vậy, để giải quyết tình hình trên, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về một số giải pháp bình ổn thị trường BĐS.

Trong đó có nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường, chẳng hạn như phân cấp, loại bỏ các quy định bất hợp lý để rút ngắn thời gian thực hiện dự án.

Có nguồn tin cho rằng, đã có doanh nghiệp kinh doanh BĐS ở Hà Nội biết cách "lách" luật trong việc thực hiện quy định về ứng tiền trước. Cụ thể là ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, doanh nghiệp kinh doanh BĐS đã thực hiện việc huy động vốn của người dân.

Doanh nghiệp này cũng có cam kết rõ ràng là trong thời gian vay vốn, người dân sẽ được hưởng lãi theo như lãi suất ngân hàng. Và nếu sau khi dự án nhà ở hoàn thành, ai có nhu cầu mua nhà sẽ được khấu trừ tiền đã cho vay, còn ai không mua thì được trả lại tiền.

Rõ ràng, việc huy động vốn của doanh nghiệp này là không vi phạm pháp luật, mặc dù ai cũng hiểu hầu hết những người cho vay chủ yếu là có mục đích mua nhà ở đây, hay nói cách khác đây là tiền ứng trước.

Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm