Úc gia tăng cảnh báo với các khoản cho vay của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương

(Dân trí) - Sự tài trợ hào phóng về tài chính của Trung Quốc ở Thái Bình Dương mang đến những rủi ro rõ ràng về sự ổn định nếu các quốc gia ở Thái Bình Dương tiếp tục vay mà không kiểm soát.

Úc gia tăng cảnh báo với các khoản cho vay của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương - 1
Thủ tướng Trung Quốc Li Keqiang, bên phải, với Thủ tướng Papua New Guinea Peter O'Neill tại Bắc Kinh vào tháng Tư. Ảnh: EPA

Trong một nghiên cứu được công bố vào thứ Hai, Viện Lowy - Úc đã cảnh báo rằng các quốc gia nhỏ bé tại Thái Bình Dương có nguy cơ vay quá nhiều và điều đó khiến họ phải đối mặt với những yêu cầu quá đáng từ phía Bắc Kinh.

Trung Quốc đã nhiều lần bị cáo buộc rằng họ cung cấp các khoản vay sinh lợi nhưng không đáng tin cậy chỉ để có được đòn bẩy hoặc nắm bắt các tài sản quan trọng chiến lược như cảng, sân bay hoặc nhà cung cấp điện của quốc gia mà họ cho vay.

Viện Lowy nói rằng, Trung Quốc đã tạo ra chính sách ngoại giao “bẫy nợ” ở Thái Bình Dương và các quốc gia như Papua New Guinea và Vanuatu đã và đang thấy rõ nguy hiểm mà họ phải đối mặt.

Từ năm 2011 đến 2018, Trung Quốc đã cam kết cho vay đối với khu vực Thái Bình Dương với giá trị lên đến 6 tỷ USD - khoảng 21% GDP của khu vực.

Phần lớn số tiền đó, khoản tiền trị giá 4,1 tỷ USD, được dành cho Papua New Guinea.

Chỉ một phần nhỏ, chưa đến 1 tỷ USD, cho đến nay đã bị phân tán ra các khu vực khác nhưng Trung Quốc vẫn là chủ nợ lớn nhất ở Tonga, Samoa và Vanuatu.

Báo cáo cho biết, với quy mô cho vay lớn của Trung Quốc và việc thiếu đi các cơ chế thể chế vững chắc để bảo vệ cho khả năng duy trì khoản nợ, các quốc gia đang đi vay có những rủi ro rõ ràng.

Úc gia tăng cảnh báo với các khoản cho vay của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương - 2
Thủ tướng Scott Morrison của Úc (thứ hai bên phải) với các nhà lãnh đạo của Kiribati, Quần đảo Cook, Tonga và Quần đảo Solomon vào tháng Tám. Ảnh: EPA

Nam Thái Bình Dương đã dần trở thành một sân chơi cho sự cạnh tranh mạnh mẽ về sức ảnh hưởng giữa 3 quốc gia Trung Quốc, Mỹ và Úc trong những năm gần đây.

Các quốc đảo ở đây nằm trên một ngã tư giao thương quan trọng, chứa trữ lượng lớn cá và cung cấp một cơ sở tiềm năng cho các quân đội hàng đầu thế giới phát triển sức mạnh vượt ra ngoài biên giới của họ.

Bắc Kinh đã tăng cường sự hứa hẹn tuyệt vời đối với khu vực này thông qua một loạt các chuyến viếng thăm và cho vay cao cấp mà không cần điều kiện kèm theo thông qua “Sáng kiến Vành đai và Con đường”.

Gần đây, quần đảo Solomon và Kiribati tuyên bố họ sẽ chuyển hướng chính sách ngoại giao từ Đài Loan sang Bắc Kinh sau một thời gian dài bị thuyết phục bởi các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Sáu chính phủ ở Thái Bình Dương hiện đang là những quốc gia mắc nợ Bắc Kinh gồm: Quần đảo Cook, Fiji, Papua New Guinea, Samoa, Tonga và Vanuatu.

Viện Lowy cho biết, nhiều khoản vay của Trung Quốc mang lãi suất rất khiêm tốn, chỉ 2% mỗi năm. Nhưng họ cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ áp dụng các quy tắc cho vay chính thức nếu họ cho vay lâu dài vì các thảm họa tự nhiên như động đất, lốc xoáy và sóng thần có thể làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của các quốc gia. Và các quy tắc này có thể chính là một “bẫy nợ” mà Trung Quốc giăng ra.

“Ba nền kinh tế nhỏ ở Thái Bình Dương - Tonga, Samoa và Vanuatu - dường như hiện cũng nằm trong số những quốc gia mắc nợ Trung Quốc nhiều nhất trên thế giới”, Lowy cảnh báo.

Thùy Dung

Theo SCMP