Uber đã chịu nộp gần 30 tỷ đồng tiền thuế

(Dân trí) - Theo đại diện cơ quan thuế, câu chuyện Uber cũng tốn nhiều giấy mực của báo chí. Nhưng thực ra, có thể khẳng định, những hoạt động kinh tế xuyên biên giới cơ quan thuế đều đã có quản lý và có kết quả.

Những hoạt động kinh tế xuyên biên giới cơ quan thuế đã có quản lý và có kết quả.
Những hoạt động kinh tế xuyên biên giới cơ quan thuế đã có quản lý và có kết quả.

Liên quan tới câu chuyện thu thuế của Uber, trả lời tại Chương trình Bàn tròn trực tuyến "Việt Nam thích ứng thế nào với các hiện tượng kinh tế mới?” do Vietnamnet tổ chức hôm nay (20/2), ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng – Trưởng ban cải cách, hiện đại hóa, Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính cho biết, cho đến nay, theo dữ liệu của cơ quan thuế, Uber đã nộp gần 30 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó, nghĩa vụ thuế nhà thầu khoảng gần 10 tỷ đồng, còn lại kê khai nộp hộ các lái xe tham gia mạng lưới khoảng hơn 20 tỷ đồng.

Theo ông Tiến, đối với Uber, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chưa có phân ngành hoạt động đó trong các hoạt động kinh tế tại Việt Nam. Bộ Giao thông Vận tải nêu rằng, đây có phải là hoạt động vận tải hay là hoạt động công nghệ kết nối vận tải, hiện giờ vẫn còn là tranh cãi, chưa kết thúc.

"Nhưng từ vai trò quản lý nhà nước về thuế, chúng tôi đã phải bước lên phía trước. Bởi, doanh nghiệp đã hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, đã phát sinh thu nhập ở Việt Nam, chúng tôi nhìn nhận được cơ sở thu nhập phát sinh, người Việt Nam tiêu dùng là phải nộp thuế", ông Tiến nói.

Ông Tiến cũng nói thêm rằng, câu chuyện Uber cũng tốn nhiều giấy mực của báo chí. Nhưng thực ra, có thể khẳng định, những hoạt động kinh tế xuyên biên giới cơ quan thuế đều đã có quản lý và có kết quả. Ví dụ được lãnh đạo Bộ Tài chính nêu có các dịch vụ tìm từ khóa, các tích hợp của nhà cung cấp Google tại Việt Nam, có một doanh nghiệp sau khi thanh tra chỉ ở cấp quận, cũng chấp nhận nộp bổ sung thêm hơn 5 tỷ đồng tiền thuế nhà thầu thay cho Google.

Ông Tiến cũng nêu ví dụ về trường hợp dịch vụ mua bán vật phẩm bằng tiền ảo khi chơi game, qua thành tra kiểm tra và qua thông tin từ cộng đồng, cơ quan thuế phát hiện rằng có một cá nhân chơi trên mạng, mua bán trong thời gian rất ngắn, chỉ vài tháng mà thu được vài chục tỷ đồng. Hay như trường hợp đối với tiền ảo, còn gọi là Bitcoin, có trường hợp một thanh niên ở một tỉnh rất nhỏ đã mua bán trên thị trường quốc tế, mua bán trong 2 năm đạt được doanh số hơn 600 tỷ đồng.

"Khi đó, chúng tôi cũng đặt ra bài toán, thu thuế họ như thế nào? Chúng tôi cũng vấp phải vấn đề pháp lý. Đây không phải mua bán hàng hóa đơn thuần, đây là tài sản ảo chưa có quy định trong Bộ luật Dân sự. Cuối cùng, sau khi chúng tôi động viên, trong khi cơ sở pháp lý còn chưa chắc chắn, thì họ đã tự giác kê khai nộp thuế", ông cho biết.

Trở lại với trường hợp Uber, thâm nhập thị trường Việt Nam vào năm 2014, cho đến nay, việc thu thuế đối với Uber vẫn gây nhiều tranh cãi. Hồi đầu năm 2016, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, hiện có khoảng 4.000 taxi Uber hoạt động trên địa bàn do doanh nghiệp taxi Uber tại Hà Lan điều hành, ước tính mỗi ngày đã thu được khoảng 1 tỷ đồng lợi nhuận đưa về Hà Lan.

Lợi nhuận từ hoạt động của Uber lại được chuyển 100% về Uber Hà Lan, sau đó mới trích trả lại cho cá nhân tại Việt Nam, chứ không phải như ký kết trong hợp đồng là phía đối tác Việt Nam giữ 80% và gửi 20% về phía Hà Lan. Do đó, theo các chuyên gia trong lĩnh vực thuế, việc giao cho các đối tác của Uber có trách nhiệm khấu trừ và nộp thay thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng cho nhà thầu Uber theo tỉ lệ thỏa thuận chia sẻ doanh thu với nhà thầu là không thể tiến hành.

Tại thời điểm đó, cơ quan thuế cũng từng nhiều khẳng định sẽ “bằng mọi giá” bắt Uber phải đóng thuế.

Hồi tháng 9/2016, Bộ Tài chính cũng đã chính thức có văn bản hướng dẫn thực hiện thu thuế với Công ty Uber Việt Nam. Văn bản hướng dẫn nêu rõ, Uber Hà Lan không đủ điều kiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ nên sẽ áp dụng phương pháp trực tiếp trên tổng doanh thu.

Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, tổ chức kinh doanh vận tải có ký hợp đồng với Uber B.V Hà Lan có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp với phần doanh thu được hưởng theo hợp đồng. Khoản doanh thu này không bao gồm phần doanh thu của phía Uber B.V Hà Lan.

Cá nhân ký hợp đồng với Uber B.V Hà Lan sẽ nộp thuế theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu được hưởng, không bao gồm phần doanh thu của phía Uber. Tỷ lệ nộp được quy định bao gồm 3% thuế giá trị gia tăng và 1,5% thuế thu nhập cá nhân tính trên doanh thu được hưởng. Riêng với cá nhân, Công ty Uber Việt Nam hoặc một tổ chức được phía Uber B.V Hà Lan ủy quyền có trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Phương Dung

Bình luận (0)
để gửi bình luận