1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Uber "biến mất": Khoản 53,3 tỷ đồng Uber nợ thuế tại Việt Nam sẽ ra sao?

(Dân trí) - Lãnh đạo cơ quan thuế khẳng định: "Ở đây mình vẫn phải "nắm thằng có tóc" là Grab thôi bởi nghĩa vụ thuế với Nhà nước thì kiểu gì cũng phải thực hiện".

Grab đã thâu tóm Uber tại khu vực Đông Nam Á (Ảnh: Scoopnest).
Grab đã "thâu tóm" Uber tại khu vực Đông Nam Á (Ảnh: Scoopnest).

Liên quan tới khoản thuế 53,3 tỷ đồng mà Cục Thuế TPHCM đang truy thu của Uber B.V, trao đổi với Dân trí sáng nay (4/4), ông Đặng Duy Khanh - Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế cho biết, nghĩa vụ thuế ở đây sẽ thực hiện theo quy định của Luật Dân sự.

"Nếu khi Uber bán cho Grab mà có thoả thuận Grab phải chịu trách nhiệm và nghĩa vụ về thuế luôn thì Grab sẽ phải nộp thay Uber. Còn nếu không có thoả thuận thì lại khác. Tuy nhiên, ở đây, cần phải xem xét lại các điều khoản trong hợp đồng thoả thuận giữa Uber - Grab", ông Khanh cho biết.

Dù vậy, lãnh đạo cơ quan thuế cũng khẳng định: "Ở đây mình vẫn phải "nắm thằng có tóc" là Grab thôi bởi nghĩa vụ thuế với Nhà nước thì kiểu gì cũng phải thực hiện".

Cũng về vấn đề này, trao đổi với báo chí bên lề họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh: “Các nghĩa vụ của các doanh nghiệp mà sáp nhập thì các doanh nghiệp mới phải thừa kế, lãnh trách nhiệm đó”.

Theo Thứ trưởng, liên quan tới nợ khoản thuế 53,3 tỷ đồng tại Cục Thuế TPHCM này, Cục Thuế TPHCM và Tổng cục Thuế đã nhiều lần có văn bản “đòi nợ”, thậm chí có biện pháp mạnh mà Uber vẫn không trả.

Không chỉ khoản nợ thuế mà Uber đang bị truy thu, lãnh đạo cơ quan thuế cũng cho biết, theo quy định của pháp luật thuế, nhà đầu tư phải kê khai và nộp thuế sau khi hoàn tất hợp đồng chuyển nhượng.

Ở đây, khoản thuế này được tính dựa trên giá trị thị phần mà Grab mua lại của Uber ở Việt Nam. Sau khi thương vụ hoàn thành, Grab sẽ phải báo cáo và kê khai thuế. Trong trường hợp, Grab không kê khai thuế, sau này xảy ra việc truy thu thì trách nhiệm sẽ thuộc về Grab.

Theo quy định, Uber là nhà thầu nước ngoài nên mức thuế được áp dụng có thể sẽ là mức khoán 5% thuế thu nhập doanh nghiệp và 5% thuế giá trị gia tăng.

"Dù hoạt động chuyển nhượng diễn ra bên ngoài Việt Nam và Uber cũng không có tư cách pháp nhân ở Việt Nam nhưng cơ quan thuế chắc chắn sẽ phải thu được thuế của thương vụ này", ông Khanh cho biết.

Theo ông Đặng Duy Khanh, chúng ta cũng từng có kinh nghiệm tương tự với một số vụ mà hoạt động chuyển nhượng vốn diễn ra ở ngoài lãnh thổ như thương vụ chuyển nhượng Big C từ Tập đoàn Casino (Pháp) cho Tập đoàn bán lẻ Central Group (Thái Lan). Với thương vụ này, cơ quan thuế đã thu được 2.000 tỷ đồng tiền thuế từ nhà đầu tư Thái Lan đứng ra nộp thuế thay.

Phương Dung

Uber "biến mất": Khoản 53,3 tỷ đồng Uber nợ thuế tại Việt Nam sẽ ra sao? - 2