Tỷ phú Trần Bá Dương làm ăn ra sao sau khi công ty hủy tư cách đại chúng?
(Dân trí) - Lần đầu tiên Thaco công bố thông tin tài chính kể từ khi hủy đăng ký công ty đại chúng năm 2021.
Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) vừa có văn bản công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Lần đầu tiên doanh nghiệp này công bố thông tin tài chính kể từ khi hủy đăng ký công ty đại chúng theo quyết định của Ủy ban Chứng khoán nhà nước kể từ ngày 1/1/2021.
Theo đó, năm 2022, tập đoàn của tỷ phú Trần Bá Dương ghi nhận lãi sau thuế đạt 7.420 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2021.
Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2022 đạt 48.445 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Hệ số nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2022 là 2,16 lần. Như vậy nợ phải trả tại ngày 31/12/2022 tương ứng là 104.641,2 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả cuối năm 2021 là 1,76 lần, do đó nợ phải trả tương đương mức 82.176,2 tỷ đồng.
Từ những dữ liệu này có thể tính ra tổng tài sản của doanh nghiệp này ghi nhận cuối năm 2022 là 153.086,2 tỷ đồng, tăng 18,8% so với mức 128.867,2 tỷ đồng cuối năm 2021.
Công ty công bố tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) cải thiện từ 11,3% lên 15,3% trong năm 2022.
Cuối năm ngoái, công ty duy trì dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu ở mức 0,17 lần, gần như không đổi so với tỷ lệ 0,18 lần của năm trước đó.
Theo dữ liệu từ HNX, từ năm 2019 đến 2021 công ty của tỷ phú Trần Bá Dương phát hành 3 lô trái phiếu tổng trị giá 6.200 tỷ đồng với lãi suất 8,25-9,8%/năm với kỳ hạn 5 năm.
Trong một văn bản của Công ty cổ phần Sản xuất và kinh doanh VinFast (VinFast Việt Nam) gửi lên HNX cho biết thời điểm cuối năm 2021 doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu là 1.431,83 tỷ đồng. Với hệ số nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu (D/E) là 76,35 lần thì tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt mốc 110.752,1 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cuối năm 2022 ghi nhận 33.617,4 tỷ đồng. Hệ số D/E ghi nhận 3,71 lần nên tổng tài sản đạt 158.338,1 tỷ đồng.
Như vậy có thể thấy tổng tài sản của Trường Hải gần ngang ngửa với VinFast Việt Nam của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Tuy nhiên khác với Trường Hải, VinFast Việt Nam đang ghi nhận mức lỗ sau thuế 33.575,45 tỷ đồng cho năm 2022.
Ngoài VinFast Việt Nam, quy mô tài sản này của Thaco còn tương đương Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) với mức 141.342,8 tỷ đồng.