1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Tỷ phú Thái thâu tóm siêu thị Metro và các “chân rết” ở Việt Nam

(Dân trí) - Được biết nhiều đến sau vụ thâu tóm siêu thị Metro Việt Nam; mới đây tỷ phú giàu thứ 3 Thái Lan Chareon lại tiếp tục gây xôn xao khi dự định muốn mua hãng Bia Sài gòn. Tuy nhiên, ít ai biết ông này đã “ăn cơm Việt” từ lâu rồi.

Khởi điểm kinh doanh tại Việt Nam từ năm 1993, đến nay thế lực của ông chủ các tập đoàn tư bản Thái Lan này đã thể hiện rất rõ ở các lĩnh vực thế mạnh: cung cấp thực phẩm, sản xuất đồ uống, khách sạn lữ hành và bán lẻ.

Mô hình hoạt động của các công ty con của tỷ phú Chareon tại Việt Nam

Mô hình hoạt động của các công ty con của tỷ phú Chareon tại Việt Nam

 Khách sạn, địa ốc

 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 
Lĩnh vực khách sạn, nhà hàng cũng là thế mạnh của tỷ phú Chareon. Tập đoàn của tỷ phú Charoen thông qua công ty con của mình là TTC Land sở hữu khách sạn 5 sao đẳng cấp quốc tế là Melia Hà Nội. Hiện đây là 1 trong 5 khách sạn 5 sao đẳng cấp quốc tế tại Hà Nội và trong vòng ba năm trở lại đây, Melia luôn đạt doanh thu trên 20 triệu USD và lợi nhuận trước thuế khoảng 10 triệu USD.

Điều đặc biệt, không chỉ sở hữu hai tòa tháp khách sạn Melia lớn nhất nhì tại Hà Nội, tỷ phú Thái còn sở hữu hai khách sạn khác tại Hà Nội là Fraser Suites và cao ốc văn phòng tại TP HCM Melinh Point Tower.

Lĩnh vực kinh doanh khách sạn, địa ốc cao cấp cũng là thế mạnh của tỷ phú Thái Lan trên thương trường quốc tế khi ông này có hàng tá những khách sạn lớn nhỏ tại Thái lan, Mỹ, Úc và Châu Á như: Khách sạn Plaza Athenee tại Manhattan (Mỹ) hay chuỗi cửa hàng Sushi Oishi tại Nhật Bản…

Xâm lấn ngành bán lẻ

Bán lẻ có lẽ để lại dấu ấn nhiều nhất của tỷ phú Chareon tại Việt Nam. Đầu tiên đó là việc mở rất nhiều cửa hàng tiện ích, chuỗi cung ứng C.P để bán thức ăn chăn nuôi và thực phẩm. Năm 2013, ông này cũng bỏ khoản tiền lớn để mua lại chuỗi bán lẻ của công ty liên doanh Nhật Bản - Việt Nam là Family Mart, đổi tên thành B’Mart để chủ yếu cung ứng hàng Thái Lan vào thị trường TP HCM.

Đặc biệt, thương vụ đình đám gây ồn ào dư luận nhất là việc tỷ phú Chareon mới đây đã bỏ ra gần 900 triệu USD mua đứt 19 chi nhánh đại siêu thị Metro Việt Nam. Đây là thương vụ rất “lời” của tỷ phú Thái bởi lẽ 19 địa điểm siêu thị Metro trên toàn quốc đều nằm tại các khu đất vàng ven thành phố, án ngữ nhiều trục giao thông chính vừa thuận lợi chu chuyển hàng hóa, tạo lợi thế cạnh tranh, tăng hiện diện với người tiêu dùng và có thể chuyển đổi mục đích đầu tư bất cứ lúc nào.

“Để mắt” tới quá trình tái cơ cấu của Việt Nam

Bên cạnh đầu tư kinh doanh trực tiếp và phát triển mạnh hệ thống phân phối, tỷ phú Chareon cũng không bỏ qua những thương vụ mua bán hoặc cổ phần hóa của các công ty lớn tại Việt Nam. Mới đây, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk đã nằm trong đích ngắm ấy. Tháng 9/2014 công ty con của BJC là Fraser and Neave Dairy Investments đã quyết định cho 1.800 tỷ đồng để nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần từ 9,5% lên 11% tại Vinamilk. Với việc nắm giữ 11% cổ phần, F&N nghiễm nhiên trở thành nhà đầu tư và đối tác chiến lược của Vinamilk.

Mới đây công ty Thaibev thuộc BJC cũng tỏ rõ ý định mua lại cổ phần (dự kiến là 53%) tại hãng bia Sài Gòn (Sabeco) khi công ty này thực hiện kế hoạch cổ phần hóa. Mặc dù cái bắt tay giữa Thaibev và Sabeco chưa có kết quả cuối cùng, nhưng với tiềm lực hãng bia số 1 tại Thái Lan của Thaibev và nhu cầu chọn lựa một đối tác vừa có tiềm lực lại có kinh nghiệm của bia Sài Gòn thì rất có thể đề nghị của Thaibev sẽ sớm nhận được cái gật đầu của Sabeco.

Việc 4 “chân rết” của tỷ phú Thái cắm sâu vào thị trường Việt Nam cho thấy Việt Nam đang là sự lựa chọn lý tưởng không chỉ của các ông trùm tư bản Âu - Mỹ hay Đông Bắc Á mà còn ở cả các nước đang phát triển chỉ nhỉnh hơn chúng ta về trình độ.

Nguyễn Tuyền (tổng hợp)
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”