1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tỷ phú Thái có thể rút khỏi Sabeco, “đại gia” nào sẽ lộ diện?

(Dân trí) - Giới phân tích quốc tế cho rằng, thương vụ IPO mảng bia của ThaiBev có thể sẽ thực hiện vào đầu năm 2020 tới. Đây có thể là bước đi nhằm thu hút Budweiser APAC mua Sabeco. Điều này sẽ được ThaiBev tiến hành nếu tạo ra giá trị cho cổ đông.

SAB của Sabeco cũng là một trong những mã có diễn biến tích cực và có ảnh hưởng tới thị trường trong phiên sáng nay (16/12).

Mã này tạm kết buổi sáng đầu tuần với mức tăng 1.300 đồng tương ứng 0,56% lên 234.500 đồng/cổ phiếu, qua đó giảm biên độ thiệt hại cho nhà đầu tư với cổ phiếu này trong vòng 1-3 tháng qua.

Xét trong thời gian 3 tháng trở lại đây, SAB đang mất hơn 11% giá trị, mức thiệt hại này có thể sẽ thu hẹp và được bù đắp nếu SAB tiếp tục đà phục hồi tích cực như phiên sáng nay.

Tỷ phú Thái có thể rút khỏi Sabeco, “đại gia” nào sẽ lộ diện? - 1

Giới phân tích cho rằng, hoạt động IPO mảng bia của ThaiBev sẽ diễn ra đầu năm tới.

Liên quan đến SAB, mới đây, tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi - ông chủ Sabeco đã công bố dự định niêm yết mảng bia tại Singapore với mức định giá lên đến 12 tỷ USD. 

Trên Financial Times, giới phân tích đưa ra nhận định, thương vụ IPO có thể thực hiện vào đầu năm 2020 tới và đây có thể là bước đi nhằm thu hút Budweiser APAC mua Sabeco. Điều này sẽ được tiến hành nếu có thể tạo ra giá trị cho cổ đông.

Trước đó, ThaiBev đã phải chi tới 5 tỷ USD để nắm quyền kiểm soát Sabeco, doanh nghiệp đứng đầu ngành bia ở Việt Nam (thị trường tiêu thụ tới 4 tỷ lít bia mỗi năm). Dưới sự cải tổ của ThaiBev, kết quả kinh doanh của Sabeco đã phần nào khởi sắc với doanh thu và lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm nay lần lượt tăng 10,5% và 23%.

Thị trường diễn biến phiên giao dịch đầu tuần mới không thật sự thuận lợi khi chỉ số chính vẫn chật vật dưới đường tham chiếu. Tạm đóng cửa phiên sáng, VN-Index giảm 3,7 điểm, tương ứng 0,38% còn 962,48 điểm.

Tuy nhiên, trên sàn Hà Nội, HNX-Index vẫn tăng 0,39 điểm tương ứng 0,38% lên 103,33 điểm; UPCoM-Index giảm 0,15 điểm, tương ứng 0,26% còn 55,59 điểm.

Điểm tích cực là thanh khoản khá tốt. Khối lượng giao dịch trên HSX đạt 149,87 triệu đơn vị tương ứng 2.864,05 tỷ đồng và con số này trên HNX là 19,27 triệu đơn vị tương ứng 151,64 tỷ đồng. Trên thị trường UPCoM, khối lượng giao dịch đạt 3,19 triệu cổ phiếu tương ứng 46,23 tỷ đồng.

Độ rộng thị trường hiện đang nghiêng về phía các mã giảm giá. Có tổng cộng 300 mã giảm, 15 mã giảm sàn so với 229 mã tăng và 42 mã tăng trần.

Chỉ số chịu áp lực lớn khi các mã lớn bị mất giá khá mạnh. VHM giảm 2.000 đồng còn 87.100 đồng/cổ phiếu; VCB giảm 1.400 đồng; MSN giảm 1.100 đồng; VIC giảm 900 đồng…

Theo đó, VHM đã khiến VN-Index bị kéo sụt 1,95 điểm và ảnh hưởng do tình trạng giảm giá tại VCB lên VN-Index là 1,51 điểm. Bên cạnh đó, tác động do VIC gây ra là 0,88 điểm; do MSN là 0,37 điểm.

Ở chiều ngược lại, VN-Index nhận được hỗ trợ tích cực từ BVH, VRE, GAS, SAB, song tác động từ những mã này đến chỉ số chỉ phần nào hỗ trợ “đỡ” thị trường chứ không giúp VN-Index hồi phục về ngưỡng tham chiếu.

Tâm điểm sáng nay là cổ phiếu FLC. Mã này tăng trần và khớp lệnh “khủng” nhất thị trường với khối lượng lên tới 17,2 triệu đơn vị. Kế đến là “người anh em” ROS với khối lượng 14,5 triệu đơn vị.

Về triển vọng của thị trường, Công ty chứng khoán BIDV (BSC) dự báo thị trường sẽ biến động mạnh trở lại trong tuần hợp đồng tương lai đáo hạn và 2 ETF cơ cấu danh mục quý IV. Tuy nhiên khi VN-Index đang tạo lập vùng đáy ngắn hạn trên 950 điểm thì những phiên rung lắc sẽ là cơ hội giải ngân từng phần mục tiêu đầu tư trong 2 – 3 tháng tới.

Còn theo nhận định của Yuanta Việt Nam, thanh khoản sẽ dần gia tăng trong tuần giao dịch mới và chỉ số VN-Index có thể sẽ dao động quanh mức 970 điểm trong các phiên giao dịch đầu tuần. Đồng thời, vùng giá 970 – 975 điểm vẫn được xem là vùng kháng cự mạnh trong ngắn hạn của chỉ số VN-Index và thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy.

Điểm tích cực là tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục tăng mạnh cho thấy chiến lược ngắn hạn vẫn là lựa chọn cổ phiếu phù hợp và gia tăng tỷ trọng cổ phiếu với khẩu vị rủi ro vừa phải và cao.

Mai Chi