1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tỷ phú Nga nói trên Bloomberg: "Một bức tường sắt đã rơi xuống"

Nhật Linh

(Dân trí) - Sự cô lập của Mỹ và phương Tây đối với Nga đang khiến các doanh nghiệp địa phương khó khăn khi nhiều công ty nước ngoài "quay lưng" với thị trường Nga.

Tỷ phú Nga nói trên Bloomberg: Một bức tường sắt đã rơi xuống - 1

Bloomberg Economics cũng dự báo nền kinh tế Nga trong năm nay sẽ giảm khoảng 9%, thậm chí có thể lên đến 14% (Ảnh: Moskva News Agency).

 

Bị bao vây bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây sau khi đưa quân vào Ukraine, nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới đang phải hứng chịu sự ra đi của các công ty đa quốc gia trong các lĩnh vực từ sản xuất ô tô, đồ thể thao đến thiết bị tiêu dùng. Ikea, Renault SA, Apple, Nike, Royal Dutch Shell là những cái tên mới nhất tuyên bố rút khỏi thị trường Nga.

Điều đó đồng nghĩa gần 3 triệu người Nga đang làm việc trong những công ty có trụ sở ở nước ngoài hay các công ty liên doanh đang có nguy cơ bị mất việc làm.

Với tỷ phú Oleg Deripaska, người đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ kể từ năm 2018, tình hình này khiến ông nhớ lại vụ vỡ nợ năm 1998 của Nga và cho rằng nó còn tồi tệ gấp 3 lần vụ vỡ nợ.

Năm 1998, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga giảm 5,3% và trong năm tiếp theo, tỷ lệ thất nghiệp đã vượt quá 13%. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại cả Goldman Sachs và JPMorgan Chase đều dự báo GDP của nền kinh tế này sẽ giảm 7% trong năm nay. Bloomberg Economics cũng dự báo nền kinh tế Nga trong năm nay sẽ giảm khoảng 9%, thậm chí có thể lên đến 14% nếu lệnh hạn chế xuất khẩu năng lượng được áp dụng.

"Cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài ít nhất trong 3 năm và cực kỳ khắc nghiệt", tỷ phú Deripaska nói và cho rằng: "Một bức tường sắt đã rơi xuống".

Mặc dù Nga đã nhanh chóng ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính đang gia tăng bằng cách kiểm soát vốn và thực hiện các biện pháp khẩn cấp khác nhằm đóng cửa thị trường trong nước nhưng sự thật không thể chối cãi là những thiệt hại đối với nền kinh tế Nga là không thể khắc phục trong một sớm một chiều.  

Sau hơn 2 thập kỷ hiện diện tại thị trường Nga, hãng nội thất Ikea đã quyết định ngừng hoạt động tại Nga. Quyết định này dự kiến sẽ tác động trực tiếp đến 15.000 nhân viên tại Nga. Nhà sản xuất ô tô hàng đầu tại Nga Avtovaz do hãng Renault SA sở hữu đa số với hơn 34.000 nhân công cũng đã đình chỉ việc lắp ráp tại 2 thành phố do thiếu hụt linh kiện.

Trong khi đó, các nhà bán lẻ đang tích cực tích trữ các mặt hàng chủ lực như kiều mạch và muối. VTB, ngân hàng lớn thứ 2 của Nga, nằm trong số những nhà cho vay chịu lệnh trừng phạt, cũng cho biết đã thu hút hơn nửa triệu người gửi tiết kiệm mới, thu hút gần 9 tỷ USD tiền mặt chỉ trong 3 ngày bằng cách đưa mức lãi suất cao tới 21%.

Mặc dù giá dầu tăng vọt nhưng cuộc chiến ở Ukraine diễn ra trong thời điểm nền kinh tế Nga đang bấp bênh với việc đói vốn đầu tư từ lâu và nhiều ngành như dệt may, mỹ phẩm vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Trong 4 năm qua, thị phần hàng hóa nước ngoài trên thị trường bán lẻ phi thực phẩm tại Nga hầu như không tăng, đạt mức 75% trong năm 2020, theo một báo cáo hồi tháng 11 năm ngoái của Trường Kinh tế cấp cao Moscow. Nghiên cứu cũng cho thấy, các mặt hàng như linh kiện ô tô, đồ chơi, game từ nước ngoài còn chiếm đến 90%.

Đồng rúp đã giảm hơn 30% trong năm nay khiến tài chính hộ gia đình tiếp tục bị tàn phá, trong khi đó tình trạng thiếu hụt hàng hóa cùng với sự không chắc chắn có thể khiến lạm phát gia tăng.

"Ở trong nước, việc thanh toán và vận chuyển không bị gián đoạn, nhưng giá cả đã tăng cao và hàng tồn kho sẽ cạn kiệt trong 1-2 tháng tới", bà Sofya Donets, nhà kinh tế trưởng tại Renaissance Capital ở Moscow cho biết.

Theo bà, nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ, tỷ lệ thất nghiệp có thể vượt quá 10%, như mức trước khi ông Putin bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống cách đây 2 thập kỷ. Hồi tháng 1, trước khi cuộc xung đột leo thang, tỷ lệ thất nghiệp của Nga là 4,4%.

Bên cạnh nỗ lực ổn định thị trường và ngăn chặn dòng chảy vốn ra nước ngoài, chính phủ Nga đang xây dựng một chương trình chống khủng hoảng nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Nhằm  giải quyết tình trạng thiếu hụt hàng hóa, các bộ trưởng y tế, công nghiệp của Nga mới đây cũng đã gặp đại diện các nhà sản xuất và phân phối dược phẩm để đảm bảo nguồn cung. 

Mặc dù ngân hàng trung ương Nga đang thắt chặt hơn nữa các biện pháp nhằm ngăn chặn dòng chảy vốn ra ngoài nhưng điều đó cũng khiến cho chi phí vay tăng lên gấp đôi. Trong một động thái mới nhất, ngân hàng này quy định các cá nhân muốn mua các đồng tiền mạnh trên thị trường mở sẽ phải trả thêm 12% cho các nhà môi giới.

Vì hoàn toàn phụ thuộc vào hàng hóa nước ngoài nên Nga có khả năng hồi phục tốt hơn sau khi chuyển từ nhà nhập khẩu thực phẩm lớn nhất thế giới sang nhà xuất khẩu có quy mô toàn cầu. Thực tế những biện pháp hạn chế nhập khẩu được thực hiện để đối phó với lệnh trừng phạt cách đây 8 năm đã giúp Nga ít phụ thuộc hơn vào nguồn cung thực phẩm nước ngoài. 

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Deripaska, điều tương tự có thể sẽ không bao giờ xảy ra. Người sáng lập tập đoàn nhôm khổng lồ United Co. Rusal International PJSC có trụ sở tại Hồng Kông cho rằng thúc đẩy hòa bình là bước đi đầu tiên để nền kinh tế Nga vượt qua khủng hoảng. Ngoài ra, theo ông, Nga cần xoay trục dứt khoát khỏi châu Âu và chuyển thủ đô về phía đông để gần châu Á hơn.

Theo Bloomberg