1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hậu Giang:

Tỷ phú cam sành ngậm ngùi bỏ cam chuyển sang trồng mía, nuôi gà

(Dân trí) - Xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) từng nổi tiếng là “thủ phủ” cam sành, đỉnh điểm là Câu lạc bộ (CLB) “tỷ phú” cam sành ra đời. Nhưng thời gian gần đây, do dịch bệnh nặng nề nên diện tích cam sành bị thu hẹp đáng kể, nhiều “tỷ phú” cam sành phải chuyển sang trồng mía, nuôi gà…

CLB tỷ phú cam sành “phá sản”…

Tìm đến xã Tân Thành vào thời điểm này, không khó để bắt gặp cảnh những người nông dân với vẻ mặt buồn rầu, tay cầm búa đốn hạ cây cam sành vì bị dịch bệnh hoành hành. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì bệnh vàng lá gân xanh và vàng lá thối rễ là nguyên nhân chính làm cho vườn cam của nhiều nhà vườn bị hư hại.

Theo số liệu thống kê của xã Tân Thành, thì tổng diện tích cam của địa phương là 1029,3ha, trong đó diện tích cam bị hư chiếm hơn 50% (515,3277ha), diện tích cam hư đã đốn là 215,08ha.
Theo số liệu thống kê của xã Tân Thành, thì tổng diện tích cam của địa phương là 1029,3ha, trong đó diện tích cam bị hư chiếm hơn 50% (515,3277ha), diện tích cam hư đã đốn là 215,08ha.

Nói về dịch bệnh này, ông Nguyễn Thiện Khiêm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành ngán ngẩm: “Cam sau khi trồng 1 – 2 năm thì vẫn phát triển bình thường, đến khi cho lứa trái đầu tiên thì mới bắt đầu nhiễm bệnh. Hiện tượng đầu tiên là đọt cam bị vàng dần, sau đó lan ra cả cây. Khi cây cam bị nhiễm bệnh thì năng suất cũng như chất lượng quả không đạt. Hội cũng đã tiến hành hội thảo, mời kỹ sư xuống tận vườn tìm hiểu, với mong muốn giảm bớt thiệt hại cho bà con nhưng “vô phương cứu chữa”.

Từng là niềm tự hào của nông dân miền Tây với khoảng thu nhập tiền tỷ hàng năm, nhưng giờ đây những thành viên trong CLB “tỷ phú” cam sành của xã Tân Thành cũng đang phải “cắn răng” đốn hạ loại cây từng được xem là cho “trái vàng” của địa phương.

Bà Trương Ngọc Điệp, Chủ nhiệm CLB Nông dân làm vườn có thu nhập cao, cho biết: “Trước đây, lúc mới hình thành CLB có tên là “Tỷ phú cam sành”, vì vào thời điểm đó các thành viên thu nhập hàng tỷ đồng sau mỗi lứa cam nên nhiều người gọi là “tỷ phú”. Nhưng từ năm 2014, CLB đổi tên thành CLB Nông dân làm vườn có thu nhập cao”.

 

Gia đình bà Trương Ngọc Điệp cũng như nhiều hộ nông dân tỷ phú khác đã chuyển sang nuôi gà để ổn định kinh tế gia đình.
Gia đình bà Trương Ngọc Điệp cũng như nhiều hộ nông dân tỷ phú khác đã chuyển sang nuôi gà để ổn định kinh tế gia đình.

Theo bà Điệp, một trong những nguyên nhân chính khiến CLB đổi tên là do cây cam sành bị hư hại, ảnh hưởng đến thu nhập của thành viên trong CLB. Tiếc nuối thời kì “hoàng kim” của cây cam sành, bà Điệp chia sẻ: “Lúc đó, thu hoạch cam mà đếm tiền rung cả tay. Nhưng đến khi cam bị nhiễm bệnh thì CLB trở tay không kịp, cứu chữa bằng bao nhiêu thứ phân thuốc cũng không đem lại kết quả’’.

Theo đó, tổng diện tích cam sành của CLB trên 55ha, nhưng đa phần giờ đang bị dịch bệnh phải đốn bỏ và thay thế bằng các loại cây trồng vật nuôi khác nhằm ổn định kinh tế gia đình và cải tạo đất, tiêu diệt mầm bệnh.

"Đốn" cam sành sang trồng mía, nuôi gà…

Sau khi vườn cam của gia đình bị hư hại, bà Điệp quyết định chuyển sang chăn nuôi gà Bình Định và trồng cây mãng cầu trên 1ha đất vườn. Đang cùng chồng săn sóc cho đàn gà, bà Điệp ngưng tay thở dài: “Giờ phải chuyển sang chăn nuôi ổn định kinh tế, chờ cây mãng cầu cho thu hoạch. Chứ không thể nào trồng lại cây cam sành vì mầm bệnh vẫn còn trong đất”.

Cùng hoàn cảnh với bà Điệp, ông Lê Minh Hùng, ấp Đông Bình, xã Tân Thành, từng là một trong những “tỷ phú” cam sành, nhưng hiện tại vườn cam “tiền tỷ” của gia đình đã không còn mà thay vào đó là cánh đồng mía bạt ngàn.

Chia sẻ về vườn cam bị dịch bệnh của mình, ông cho biết: Năm 2013 sau khi thu hoạch đợt trái “khủng” thì vườn cam sành 1,7ha của gia đình bắt đầu có dấu hiệu nhiễm bệnh vàng lá thối rễ. Bằng kinh nghiệm hơn 10 năm trồng cam sành của mình, ông Hùng không ngần ngại chặt bỏ những cây mang bệnh với mong muốn cứu được số còn lại. Nhưng do bệnh phát triển khá nhanh, lại không có thuốc điều trị, đến cuối năm 2014 thì vườn cam của ông Hùng đã “nằm ngoài tầm kiểm soát”.

Ông Lê Minh Hùng quyết định trồng mía, với hy vọng có thể cải tạo đất và tiêu diệt mầm bệnh để trồng lại cây cam sành.
Ông Lê Minh Hùng quyết định trồng mía, với hy vọng có thể cải tạo đất và tiêu diệt mầm bệnh để trồng lại cây cam sành.

Nhận định không thể trồng lại cây cam sành trên nền đất cũ nên ông Hùng cho máy cuốc trở liếp lại và quyết định trồng mía. Với tình yêu dành cho cây cam sành ông hy vọng sau 2 – 3 năm, mầm bệnh trong đất bị tiêu diệt.

Chỉ tay về phía ngôi nhà khang trang của mình ông Hùng nói: “Tôi yêu cây cam sành lắm, vì nhờ nó mà gia đình của tôi có được như ngày hôm nay. Nhưng nay, mình phải có hướng đi đúng, chứ không thể mạo hiểm trồng lại liền được, phải cải tạo vài năm mới an toàn được”.

Ông Ngô Văn Khởi, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Dịch bệnh vàng lá gân xanh và vàng lá thối rễ trên cây cam sành gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế của các hộ nông dân chuyên canh cây cam vì nay không có thuốc điều trị. Hiện tại, bà con nông dân trên địa phương đang chuyển sang các loại cây trồng khác như: mía, mãng cầu, chanh không hạt, ổi…. Để hỗ trợ một phần khó khăn cho những nhà vườn có cam sành bị nhiễm bệnh và đốn hạ sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/ha. Hiên nay, không ít nông dân đã mạo hiểm trồng lại cây cam sành (184,48ha), đây là chuyện địa phương đang lo ngại”.

Nguyễn Hành – Nguyễn Trần

 

Tỷ phú cam sành ngậm ngùi bỏ cam chuyển sang trồng mía, nuôi gà - 4

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm