Tỷ phú Ấn Độ đầu tư xây Cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng

Trường Thịnh

(Dân trí) - Ngày 25/6, trong khuôn khổ Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022, liên doanh giữa Tập đoàn Adani (Ấn Độ) và Tổng công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát được trao chứng nhận cho phép nghiên cứu đầu tư dự án Cảng biển Liên Chiểu.

Adani Group là một tập đoàn đa ngành được thành lập từ năm 1988 có trụ sở tại Ahmedabad, Ấn Độ. Được đánh giá là tổ chức hạ tầng tích hợp lớn nhất Ấn Độ, Adani Group hoạt động ở rất nhiều mảng, trong đó nổi bật nhất là xây dựng và quản lý khai thác cảng biển quy mô lớn, khai thác mỏ và khí đốt tự nhiên, năng lượng tái tạo... Tập đoàn hoạt động trên 50 quốc gia trên toàn thế giới với trên 21.000 nhân viên. Đến tháng cuối tháng 4/2022, giá trị vốn hóa thị trường Adani đã vượt 206 tỷ USD.

Tỷ phú Ấn Độ đầu tư xây Cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng - 1
Lãnh đạo TP Đà Nẵng trao thông báo cho ông Captain Sandeep Mehta - Chủ tịch Adani Ports & SEZ.

Riêng lĩnh vực đầu tư khai thác cảng biển, Adani là tập đoàn có cùng lúc thế mạnh cả về tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác cảng biển quy mô lớn tầm châu lục và thế giới.

Adani Ports & SEZs (thuộc Tập đoàn Adani) sở hữu và quản lý khai tác 13 cảng tổng hợp quốc tế, 5 khu hậu cần và tiện ích giao thông quy mô hàng đầu thế giới với tổng quy mô công suất xếp dỡ hàng hóa tổng hợp khoảng 560 triệu tấn/năm. Trong đó, 2 cảng tư nhân tại Mundra và Dahej với công suất lên tới gần 270 triệu tấn hàng hóa, và nhờ vậy Adani nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường hậu cần vận tải tại Ấn Độ.

Trong năm 2011, Adani cũng đã mua lại Cảng Abbot Point tại Úc với công suất xếp dỡ lên tới 50 triệu tấn, một lần nữa nâng cấp mạnh mẽ mảng vận tải và cảng biển của doanh nghiệp. Adani hiện sở hữu đội 23 tàu vét nhiều chủng loại công năng có công suất lớn.

Trong chiến lược phát triển của mình, Adani Group đã dành riêng 100 tỷ USD cho quỹ đầu tư ra nước ngoài trong giai đoạn 2022-2026. Trong đó, chủ tịch Gautam Adani đã tuyên bố đang xúc tiến để có thể đầu tư 10 tỷ USD vào một số ngành quan trọng tại Việt Nam giai đoạn này. Ông cũng đánh giá Việt Nam là đối tác quan trọng đối với sự phát triển của Adani tại nước ngoài trong tương lai và Adani đang tìm kiếm các dự án hạ tầng, cảng, tiếp vận cũng như các sáng kiến về năng lượng xanh phù hợp.

Gautam Adani có tên trong nhóm 10 tỷ phú giàu nhất thế giới và là người giàu nhất châu Á với tổng tài sản hơn 90 tỷ USD (theo tính toán của Forbes). Năm 2021, tập đoàn mang tên tỷ phú này đạt mức lợi nhuận 21 tỷ USD, dự kiến năm 2022 sẽ đạt đến gần 30 tỷ USD. Vào kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60, tỷ phú Adani đã công bố tặng 7,5 tỷ USD cho các hoạt động từ thiện, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.

Đối tác địa phương của Adani trong dự án đầu tư Cảng Liên Chiểu ngay từ giai đoạn nghiên cứu là Tổng Công Ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát. Đây là một nhà đầu tư đa ngành trong nước với năng lực hoạt động nổi bật trong các lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, sản xuất và cung cấp nước sạch và nước đóng chai cho các khu công nghiệp, đô thị; đầu tư và phát triển các khu công nghiệp, các khu đô thị, bất động sản; thi công xây lắp công trình kiến trúc, cảng biển và công trình thủy, cung cấp dịch vụ kỹ thuật và bảo dưỡng cho các nhà máy công nghiệp, dịch vụ hàng hải; kinh doanh khách sạn, du lịch và đầu tư các khu nghỉ dưỡng; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022, đại diện UBND TP Đà Nẵng cho biết chuẩn bị các thủ tục để sớm khởi công dự án cảng Liên Chiểu.

Cảng Liên Chiểu thuộc lĩnh vực cảng biển quốc gia có tính chất kết nối liên vùng và khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy phát triển thông thương hàng hóa của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội cho vùng Miền Trung và Tây Nguyên. Đây là cảng biển tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1); về lâu dài có khả năng phát triển để đảm nhận vai trò cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung (loại 1A).

Theo báo cáo thẩm định của Bộ GTVT, dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung, đáp ứng yêu cầu cơ sở hạ tầng cho phát triển khu bến cảng Liên Chiểu giai đoạn đầu thông qua lượng hàng từ 3,5 - 5,0 triệu tấn/năm và phát triển các bến giai đoạn tiếp theo theo quy hoạch. Các hạng mục như: Kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, giao thông kết nối cảng, hạ tầng kỹ thuật kết nối… có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở 6.000 - 8.000 TEU.

Khi cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động và trở thành trung tâm cảng đẳng cấp thế giới tại khu vực miền Trung sẽ góp phần tạo động lực phát triển mới cho Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Theo nghiên cứu sơ bộ từ các chuyên gia, dự án sẽ đóng góp 5.000 việc làm cho khu vực Đà Nẵng.

Với thế mạnh của Adani có liên doanh, liên kết với hầu hết các tập đoàn vận tải biển lớn nhất trên thế giới sẽ tạo ra năng lực điều tiết nguồn hàng đi - đến các cảng quốc tế lớn, tăng hiệu quả khai thác.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm