Tỷ giá tăng chưa tác động tới xuất nhập khẩu

Tỷ giá bình quân liên ngân hàng ngày hôm qua được ấn định ở mức 16.005 đồng/USD. Một số doanh nghiệp lo ngại USD lên giá sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, tỷ giá biến động này chưa tác động tới cán cân xuất nhập khẩu.

Các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất và hàng hóa lo lắng USD lên giá sẽ khiến họ phải mua nguyên phụ liệu sản xuất và hàng hóa với giá cao hơn trước, đồng vốn thu về bằng VND nên lợi nhuận sẽ giảm.

 

Một cán bộ của Công ty Song Long, chuyên kinh doanh mặt hàng nhựa cho biết, tỷ giá VND/USD ở trên ngưỡng 16.000 đồng/USD một thời gian không lâu nên chưa tính được thiệt hại thế nào. Song, nếu tỷ giá vẫn đứng ở mức cao như vậy trong thời gian dài thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của công ty.

 

Trong khi đó, ông Nguyễn Hiếu Đức, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần sản xuất mực in Đức Quân (TPHCM) cho biết, hơn 80% sản phẩm mực in của công ty chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, trong khi nguyên phụ liệu sản xuất phải nhập khẩu 100%. Giá thành phẩm bán ra ở thị trường Việt Nam lại không thể điều chỉnh ngay nên doanh thu của công ty khó tránh khỏi sẽ bị sụt giảm.

 

Theo các nhà sản xuất, thông thường nếu giá nguyên phụ liệu tăng 30%, doanh nghiệp chỉ có thể nâng giá thành phẩm lên mức tối đa được 5%. Thậm chí, nhiều khi doanh nghiệp đành phải chịu lỗ để giữ chân khách hàng.

 

Trái với dự đoán rằng khi USD lên giá sẽ mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu, phía doanh nghiệp cho rằng, tỷ giá mới biến động nên nhìn chung không tác động nhiều đến hoạt động kinh doanh.

 

Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất giày Liên Anh cho biết, công ty chủ yếu làm hàng xuất khẩu nên USD lên giá chắc chắn Liên Anh sẽ được lợi. Hơn thế nữa, lâu nay các doanh nghiệp dệt may hầu hết đều mong giá USD sẽ tăng lên bởi tỷ giá USD/VND đã gần như đứng im trong một thời gian khá lâu. Tuy nhiên, theo bà, tỷ giá mới biến động rất ít do đó trước mắt lợi ích là không đáng kể.

 

Ông Diệp Thành Kiệt, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Wec SaiGon cho rằng, đợt tăng giá lần này của đồng USD chưa đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp ngành may nói riêng và các nhà xuất khẩu nói chung, do tỷ giá USD chỉ tăng chậm. Mặt khác, giá nguyên phụ liệu đầu vào hiện đều tăng cao, trong khi giá thành xuất khẩu vẫn đứng yên.

 

Chẳng hạn, một sản phẩm áo sơ mi xuất sang thị trường Mỹ với giá FOB (hàng bán thành phẩm) là 50 USD. Trong đó, chi phí nguyên phụ liệu nhập khẩu hết 35 USD. Phần còn lại doanh nghiệp dùng để chi trả phí vận chuyển, tiền công, thuế... nên nguồn lợi thu về sẽ không đáng kể.

 

Theo một chuyên gia kinh tế Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá USD lên về lý thuyết sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Trong khi đó, nhập khẩu sẽ gặp khó khăn hơn bởi giá nhập khẩu sẽ tăng.

 

Tuy nhiên theo vị chuyên gia này, tỷ giá USD/VND biến động trong thời gian qua với mức độ rất nhỏ (từ đầu năm tới nay chỉ khoảng 0,6%) và không có gì là đột biến hay bất thường. Do vậy, trong ngắn hạn việc USD lên giá không ảnh hưởng nhiều tới cán cân xuất nhập khẩu của VN. 

 

Vị chuyên gia cũng nhận định, ít nhất trong ngắn hạn USD sẽ không lên giá nhiều bởi hiện thâm hụt thương mại của Mỹ đang lớn nên Mỹ không dại gì mà để cho đồng USD tăng giá quá mạnh.

 

Riêng đối với Việt Nam, vị chuyên gia cho rằng, sắp tới khi vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nền kinh tế phải mở cửa sâu rộng hơn thì việc USD tiếp tục lên giá có thể sẽ gây ra nhiều tác động hơn.

 

Trong điều kiện nền kinh tế mở cửa, chắc chắn nhập khẩu sẽ gia tăng bởi nhu cầu sử dụng hàng ngoại của người dân cao xuất phát từ tâm lý “sính ngoại” lâu nay. Trong khi đó, hàng hóa nước ngoài lại hấp dẫn hơn hàng Việt Nam nên các doanh nghiệp nhập khẩu, dù chi phí nhập hàng tăng thì họ vẫn sẽ phải nhập khẩu.

 

Theo ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, việc tỷ giá VND/USD vượt qua ngưỡng 16.000 đồng/USD có tác động tới tâm lý nhiều hơn. Chẳng hạn, các doanh nghiệp xuất khẩu khi thấy USD lên giá sẽ có tâm lý đua nhau thúc đẩy xuất khẩu để hưởng lợi.

 

Tuy nhiên, về cơ bản trong ngắn hạn việc tỷ giá VND/USD tăng vẫn chưa tác động nhiều đến xuất khẩu. Bằng chứng là thời gian qua tốc độ xuất khẩu của Việt Nam vẫn tương đối cao, trên 20%.

 

Theo ông Thành, có rất nhiều yếu tố tác động tới xuất nhập khẩu, và tỷ giá chỉ là một yếu tố. Chẳng hạn, nếu đối tác cho rằng Việt Nam bán phá giá một mặt hàng nào đó thì xuất khẩu mặt hàng này chắc chắn sẽ bị sụt giảm dù tỷ giá có biến động hay không...

 

Theo Hà Vy

VnExpress