Tỷ giá tăng, áp lực cuối năm hay yếu tố tâm lý?

(Dân trí) - Từ đầu tháng 10 đến nay, đặc biệt là sau khi kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ được công bố từ ngày 9/11, tỷ giá có xu hướng tăng nhẹ, đến ngày hôm nay đã xoay quanh mức 22.350 VND/USD.

Trong 9 tháng đầu năm, tỷ giá và thị trường ngoại tệ nhìn chung ổn định. Tỷ giá giảm nhanh trong tháng 1 rồi tương đối ổn định trên mặt bằng tỷ giá mua của Ngân hàng Nhà nước (22.300 VND/USD), tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm mạnh, tỷ lệ đô la hóa giảm. Qua đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua được lượng lớn ngoại tệ, đưa dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục. Thanh khoản thị trường tốt.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 10 trở lại đây, đặc biệt là sau khi kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ được công bố từ ngày 9/11, tỷ giá có xu hướng tăng nhẹ, đến ngày hôm nay đã xoay quanh mức 22.350 VND/USD. Vậy tỷ giá tăng xuất phát từ nguyên nhân kinh tế hay chỉ là yếu tố tâm lý?


Tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng nhanh trong những tháng cuối năm

Tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng nhanh trong những tháng cuối năm

Theo đánh giá của ông Phạm Thanh Hà, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cách thức điều hành tỷ giá của NHNN thời gian qua là khá linh hoạt, phù hợp với cung - cầu ngoại tệ trong nước và diễn biến trên thị trường quốc tế. Đặc biệt với cách thức điều hành theo tỷ giá trung tâm linh hoạt như hiện nay, tỷ giá không còn bị chi phối bởi yếu tố tâm lý như trước đây.

Bên cạnh hiệu quả của cách thức điều hành tỷ giá mới và các biện pháp điều hành khác của NHNN thì tỷ giá cũng được hỗ trợ bởi cung - cầu trong nước tương đối thuận lợi. Nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào nhờ cán cân thương mại 10 tháng đầu năm thặng dư 3,2 tỷ USD, FDI thực hiện 10 tháng đạt 12,7 tỷ USD (tăng 7,6% so với cùng kỳ 2015).

Bên cạnh đó, tỷ giá cũng được hỗ trợ bởi một lượng cung ngoại tệ đáng kể từ trong nước, đó là nguồn ngoại tệ do tổ chức, cá nhân tích trữ thời gian trước đây được giải phóng, bán cho tổ chức tín dụng (TCTD) trong bối cảnh tâm lý đầu cơ, găm giữ ngoại tệ giảm mạnh, lòng tin vào giá trị VND được tăng cường.

Về cầu ngoại tệ, thị trường tiếp tục phát sinh các nhu cầu ngoại tệ thông thường phục vụ hoạt động của nền kinh tế, tuy nhiên cầu do yếu tố tâm lý không còn như trước đây, thể hiện qua diễn biến tâm lý thị trường khá ổn định trước biến động trên thị trường quốc tế trong những tháng đầu năm, ngay cả sau sự kiện Brexit, tỷ giá có tăng nhưng không nhiều và sau 2 ngày đã ổn định trở lại.

"Tỷ giá tăng nhẹ trong vài ngày qua, theo tôi chủ yếu là do tác động của việc đồng USD trên thị trường quốc tế tăng giá mạnh do kỳ vọng các chính sách của ông Trump sẽ làm tăng chi tiêu, kích thích tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy Fed tăng lãi suất. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy cung cầu ngoại tệ trên thị trường hiện vẫn diễn ra bình thường, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng được đáp ứng đầy đủ và không có nhu cầu đột biến. Do đó, tỷ giá cũng không có áp lực gì lớn", ông Hà nhận định.

Theo ông Hà, trong những tháng cuối năm, nguồn cung ngoại tệ tiếp tục thuận lợi nhờ dòng vốn FDI vào Việt Nam, hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài vào các doanh nghiệp Nhà nước lớn tiếp tục được giải ngân... Về phía cầu, theo yếu tố mùa vụ cầu ngoại tệ thường tăng vào giai đoạn cuối năm, tuy nhiên năm nay khả năng cầu ngoại tệ không tăng mạnh như mấy năm trước do xu hướng xuất siêu trong năm nay.

Bên cạnh đó, trường hợp Fed thực hiện tăng lãi suất vào tháng 12 thì tác động tới Việt Nam là không lớn do vốn đầu tư vào Việt nam chủ yếu là vốn FDI dài hạn, dòng vốn đầu tư gián tiếp chiếm tỷ trọng rất nhỏ nên tác động không đáng kể; mặt khác, với cơ chế tỷ giá trung tâm linh hoạt như hiện nay thì các tác động bất lợi từ thị trường thế giới sẽ được giảm thiểu.

Quan trọng hơn là với các giải pháp điều hành linh hoạt của NHNN, tình trạng đầu cơ găm giữ ngoại tệ tiếp tục giảm, qua đó hỗ trợ nguồn cung cho thị trường và do vậy tỷ giá về cơ bản sẽ không có biến động lớn trong giai đoạn cuối năm.

Hiền Minh