Tỷ giá sẽ còn tăng nữa?
(Dân trí) - Theo dự báo của ANZ, tỷ giá USD/VND tại thời điểm cuối năm 2015 sẽ đạt mức 22.050 và tổng mức điều chỉnh tỷ giá cả năm sẽ là 3,1%.
Ảnh minh họa
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD áp dụng kể từ ngày 7/5, từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD (mức điều chỉnh 1%).
Với biên độ tỷ giá +/-1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần là 21.890 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.456 VND/USD. Hoạt động điều chỉnh này diễn ra giữa bối cảnh tỷ giá USD/VND đã trở nên căng thẳng trong vài tháng gần đây và là một trong những nguyên nhân khiến cán cân thương mại của Việt Nam bị thâm hụt trở lại.
Đây là đợt điều chỉnh tỷ giá lần thứ 2 của NHNN trong năm nay, sau lần phá giá VND đầu tiên hồi tháng 1. Trong vòng 6 tuần vừa qua, tỷ giá USD/VND đã leo dốc lên ngưỡng 21.630-21.635 VND/1 USD và khiến tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam vượt xa so với tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Theo ước tính sơ bộ, Việt Nam đã nhập siêu 3 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm.
Trước đó, hồi cuối năm ngoái, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố, trong năm 2015, tỷ giá sẽ chỉ được điều chỉnh trong biên độ 2%, cao hơn so với mức điều chỉnh bình quân 1,5% trong 2 năm qua.
Việc nhập khẩu máy móc và linh kiện điện tử trong thời gian gần đây đang ngày càng mở rộng trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm nay, sự gia tăng nhập khẩu máy móc và linh kiện điện tử đã đóng góp khoảng 10,8 điểm phần trăm vào tổng kim ngạch nhập khẩu Việt Nam và qua đó đưa kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 4 tháng tăng 19,9% so với cùng kỳ 2013.
ANZ lưu ý rằng, đã có sự khác biệt trong cơ cấu tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam những tháng gần đây so với giai đoạn 2008-2010. Theo đó, việc nhập khẩu các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất đã được mở rộng, nên mặc dù vẫn dự báo Việt Nam sẽ ghi nhận nhập siêu trong năm 2015 này song theo ANZ, cán cân thanh toán tổng thể vẫn sẽ duy trì bền vững nhờ hoạt động nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI chủ yếu là để phục vụ cho xuất khẩu.
Theo nhận định của ANZ, quyết định giảm giá VND ngày 7/5 của NHNN sẽ góp phần làm giảm thâm hụt thương mại của Việt Nam. Và mặc dù dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên 35 tỷ USD thì vẫn đang ở mức khá thấp, chỉ tương đương 2,5 tháng nhập khẩu (so với mức khuyến cáo bình quân là 3-4 tháng nhập khẩu).
Bên cạnh đó, dù VND giảm giá so với USD song vẫn đang phù hợp so với các loại tiền tệ khác trong khu vực Đông Nam Á.
Biến động tỷ giá của một số loại tiền tệ trong khu vực so với USD kể từ đầu năm tới nay - Nguồn: ANZ, Bloomberg
Báo cáo của ANZ cũng lưu ý đến thông tin trong phiên họp thường kỳ cuối tháng 4, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối nhằm bổ sung vốn đầu tư phát triển, đảm bảo an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia. ANZ cho biết cần đánh giá thận trọng về tác động ngắn hạn của đề xuất này lên dự trữ ngoại hối - vốn là yếu tố quan trọng đối với niềm tin của giới đầu tư vào tiền VND.
ANZ vẫn duy trì dự báo tỷ giá USD/VND tại thời điểm cuối năm 2015 là 22.050 VND/1 USD và tổng mức điều chỉnh tỷ giá cả năm sẽ là 3,1%.
Bích Diệp